Các quốc gia, bao gồm cả các đối thủ lẫn đồng minh của Mỹ, đều có sự chuẩn bị trước nguy cơ bị áp thuế theo cảnh báo của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Trong bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ có sự phân cực sâu sắc, Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn luôn tự hào coi mình là "người áp thuế" với tiền lệ đánh thuế nhập khẩu khá mạnh vào hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ từ cả đối thủ lẫn đồng minh hay láng giềng gần gũi ngay trong nhiệm kỳ đầu, một lần nữa khiến toàn thế giới chú ý bằng những tuyên bố gây sốc về chính sách thuế quan toàn cầu.
Khác với các chính quyền tiền nhiệm, ông Trump tiếp tục khẳng định triết lý "Nước Mỹ là trên hết" thông qua các công cụ thuế quan, một "đặc sản" mang đậm dấu ấn cá nhân. Đây được xem như một "vũ khí địa chính trị" quan trọng trong nhiệm kỳ mới của ông Trump.
Với những tuyên bố mới nhất, ông Trump dự kiến sẽ áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thêm 10% với hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí, ông tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên BRICS nếu nhóm này tạo ra đồng tiền chung hoặc sử dụng đồng tiền khác để thay thế đồng USD. Ngoài ra, các nước đồng minh EU cũng là những đối tượng tiềm tàng bị áp thuế nhập khẩu với những lý do khác nhau.
Theo Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, những biện pháp thuế quan như vậy không chỉ tác động trực tiếp đến dòng chảy thương mại, mà còn là công cụ gây áp lực nhằm đạt các mục tiêu địa chính trị. Theo chuyên gia kinh tế Antoine Bouet thuộc Trung tâm Nghiên cứu CEPII, đây không chỉ là những đe dọa đơn thuần về thương mại, mà là một chiến lược đàm phán phức tạp để giải quyết các vấn đề hệ trọng trong quan hệ của Mỹ với các nước.
"Ông Trump luôn sử dụng thuế quan như một công cụ gây áp lực chính trị. Ông ấy không chỉ nhằm mục đích trừng phạt, mà còn muốn buộc các đối tác phải nhượng bộ trong các vấn đề như nhập cư, chống ma túy và bảo vệ việc làm cho người Mỹ", ông Bouet nhận xét.
Đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, những vấn đề cấp bách mà ông muốn giải quyết rất cụ thể bao gồm: (i) Với Mexico là chấm dứt dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ kèm theo những hệ quả rất lớn về kinh tế và xã hội; (ii) Với Canada là ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy, trước hết là fentanyl - thủ phạm gây ra nhiều cái chết cho người nghiện ma túy ở Mỹ hiện nay; (iii) Với Trung Quốc thì mục tiêu sâu xa hơn là kiềm chế sự phát triển kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh và cuối cùng là để giảm sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc.
Phản ứng của các nước trước mối đe dọa áp thuế
Trước những đe dọa áp thuế của ông Trump, các quốc gia liên quan đã nhanh chóng có những phản ứng khác nhau, từ âm thầm lo ngại đến công khai chấp nhận đối phó nhưng bên trong đều tìm cách xoa dịu "cơn thịnh nộ" của ông bằng những đề xuất thỏa hiệp cụ thể.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum từng cảnh báo "nếu áp thuế nhập khẩu như ông Trump tuyên bố, Mỹ sẽ mất 400.000 việc làm", nhưng cũng nhanh chóng có cuộc điện đàm xoa dịu ông Trump trước tình trạng số lượng lớn người nhập cư trái phép vào Mỹ từ ngả Mexico trong những năm qua với nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội là gánh nặng cho chính phủ Mỹ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bất ngờ tới Florida và trở thành vị khách quốc tế đầu tiên của Tổng thống đắc cử Trump để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, trước hết là nạn buôn lậu ma túy từ Canada vào Mỹ. Ông Trudeau đã cố gắng làm hài lòng ông Trump với cam kết sẽ đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm chặn đứng việc đưa các loại ma túy, nhất là chất fentanyl vào Mỹ.
Trung Quốc vừa nhanh chóng lên tiếng thanh minh rằng, nước này đã thực hiện các biện pháp chống buôn lậu ma túy như đã thỏa thuận vào năm ngoái giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa tỏ rõ mong muốn đàm phán nhưng vẫn khẳng định việc áp đặt thuế quan là sai lầm và sẽ không đem lại kết quả như phía Mỹ mong muốn.
Trong khi đó, nhóm BRICS ngày càng tỏ ra độc lập với Mỹ. Nam Phi tỏ ra mềm mỏng và muốn hạ thấp căng thẳng đối đầu khi nhanh chóng tuyên bố "các nước này không có ý định lập đồng tiền riêng thay thế USD". Trung Quốc đang nỗ lực tranh thủ thời gian tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Brazil như một đối tác thay thế Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại. Nga lại thẳng thắn thể hiện lập trường cứng rắn khi khẳng định "sức ép từ Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy xu hướng gia tăng việc sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong thương mại, đồng thời làm suy giảm vai trò của USD như một đồng tiền tệ dự trữ quốc tế".
Tác động của biện pháp thuế quan
Về tác động kinh tế đối với các nước bị áp thuế, nếu những tuyên bố đe dọa của ông Trump được thực hiện, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng bởi đây đều là những nước có quan hệ thương mại rất lớn với Mỹ, đặc biệt với Mexico và Canada.
Theo thống kê, hiện 80% xuất khẩu của Mexico là vào thị trường Mỹ, vì vậy, theo một số đánh giá, thuế suất 25% khi được áp dụng sẽ là "thảm họa" cho nền kinh tế nước này. Canada cũng có tới 77% hàng xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, trong đó ngành năng lượng, sản xuất ô tô chiếm tỷ trọng rất cao, do vậy những ngành công nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Đối với Trung Quốc, việc tăng thêm 10% thuế trên nền tảng các mức thuế từ năm 2018 với tổng giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ trị giá 500 tỷ USD chắc chắn sẽ gây thêm áp lực lớn cho nền kinh tế nước này.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có thực sự thực hiện đầy đủ những lời đe dọa áp thuế như một chiến thuật đàm phán hay không, nhưng người được ông đề cử làm bộ trưởng tài chính, Scott Bessent, đã nhiều lần nói rằng thuế quan là một phương tiện đàm phán. Điều này cho thấy, bản chất của chính sách trong chính quyền Trump 2.0 không chỉ là thuế quan, mà là một chiến lược địa chính trị phức tạp, nhằm tái định vị vai trò của Mỹ trong trật tự kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi.
Nếu kiên quyết thực hiện, tất cả động thái áp thuế của ông Trump sẽ gây ra cả những tác động trực tiếp. Mexico ước tính có thể mất khoảng 5-7% GDP nếu bị áp thuế 25%; Canada sẽ bị ảnh hưởng nặng đối với các ngành năng lượng và sản xuất ô tô; Trung Quốc chịu áp lực gia tăng lên chuỗi cung ứng toàn cầu… Ngoài ra, còn có những tác động gián tiếp tới (i) Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu; (ii) Gia tăng xu hướng địa phương hóa sản xuất; (iii) Thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm thị trường thay thế.
Tuy nhiên, ông Trump không nhất quán trong các tuyên bố về áp thuế nhập khẩu. Ông từng dọa áp thuế thêm 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sau đó lại hạ xuống chỉ còn 10%; dọa áp thuế 200% đối với ô tô Trung Quốc sản xuất tại Mexico, rồi lại giảm xuống 100%...
"Đây gần như là một chiến thuật giơ cao đánh khẽ, nhằm gây sức ép để thu được những nhượng bộ chính trị", chuyên gia Bouet nhận định.
Như vậy, nếu các nước liên quan chấp nhận đàm phán và khôn khéo đưa ra những nhượng bộ đáp ứng được những yêu cầu chính trị của Mỹ, nhiều khả năng ông Trump sẽ điều chỉnh mức thuế đã tuyên bố. Chiến tranh thương mại nhiều khả năng sẽ không xảy ra, hoặc ít nhất là không ở mức độ như những gì ông Trump đã tuyên bố.
Mỹ, dù là nền kinh tế số 1 thế giới, nhưng vẫn lệ thuộc vào các đối tác kinh tế/thương mại toàn cầu. Nếu chính quyền Trump 2.0 thực hiện việc áp thuế cao và tràn lan như đã tuyên bố, các nước sẽ phản ứng bằng cách áp thuế tương tự với hàng nhập khẩu của Mỹ hoặc thậm chí ngừng xuất khẩu những nguyên liệu, hàng hóa mà các ngành sản xuất và thị trường Mỹ đang rất cần.
Theo Quỹ Thuế của Mỹ (Tax Foundation), việc áp thuế thời Trump 1.0 đã giúp cho ngân sách quốc gia của Mỹ có thêm 80 tỷ USD, nhưng cuối cùng đó thực sự lại là số tiền mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã phải gánh chịu.
Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ tốn thêm 2.600 USD mỗi năm do phải mua hàng hóa nhập khẩu đắt hơn sau khi bị áp thuế nhập khẩu. Theo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), số việc làm trong giai đoạn Trump 1.0 đã giảm 2%; các công ty phải chi nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu thô do các nước cũng áp thuế thuế trả đũa.
Tính toán của các bên
Các nước bị đe dọa đánh thuế hiện nay, trước hết là Mexico, Canada, Trung Quốc, bên ngoài tỏ ra lo lắng và nhanh chóng có biện pháp làm dịu căng thẳng, nhưng thực chất không hẳn là đã dễ dàng bị khuất phục. Mexico, Trung Quốc và cả Canada, ở các mức độ khác nhau, đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng với khả năng áp thuế, thậm chí sẵn sàng áp dụng các biện pháp đáp trả như cấm xuất khẩu các mặt hàng chiến lược, tận dụng tối đa tất cả ưu thế trong quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế của mình. Đặc biệt, nhóm BRICS với 9 nước thành viên, trong đó có cả những nước từng là đồng minh của Mỹ, chiếm 40% dân số thế giới và 25% GDP toàn cầu là những đối tượng mà Mỹ, dù là dưới thời ông Trump 2.0, cũng không dễ "bắt nạt" mà phải tính đến thỏa hiệp.
Rõ ràng, chiến lược thuế quan của ông Trump cần được đặt trong bối cảnh một trật tự địa chính trị đang chuyển đổi, trong đó thuế quan không đơn thuần là các biện pháp kinh tế mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm: (i) Tái khẳng định sức mạnh kinh tế của Mỹ; (ii) Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và các đối thủ cạnh tranh lớn khác; (iii) Điều chỉnh cán cân thương mại toàn cầu theo lợi ích của Mỹ. Là một nhà đàm phán lão luyện, chiến thuật "giơ cao đánh khẽ" được ông Trump lựa chọn là rất khôn ngoan và đã phát huy tác dụng khi ban đầu luôn đưa ra mức thuế cao làm điểm khởi đầu đàm phán đặt đối phương vào thế phải nhượng bộ, rồi linh hoạt điều chỉnh để đạt được nhượng bộ chính trị đến mức độ chấp nhận được.
Các chuyên gia dự báo, mặc dù có khả năng xảy ra căng thẳng thương mại, nhưng quy mô và mức độ sẽ khác so với nhiệm kỳ trước. Yếu tố then chốt là khả năng đàm phán của cả hai phía; sự linh hoạt trong điều chỉnh chính sách của các bên, nhất là phía các nước đang bị đe dọa áp thuế; cũng như sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế với lợi ích chính trị. Vì vậy, sau những tuyên bố rất mạnh mẽ suốt thời gian qua, cuộc chiến thương mại nhiều khả năng sẽ khó tránh khỏi hoàn toàn, nhưng phạm vi và mức độ có thể sẽ ít dữ dội hơn những gì ông Trump đã cảnh báo.
Trong số các tình huống có thể xảy ra, kịch bản khả dĩ nhất là chính quyền Trump 2.0 không phải dùng đến chiến tranh thương mại toàn diện; các quốc gia liên quan có sự nhượng bộ có điều kiện; và các thỏa thuận được điều chỉnh theo từng vấn đề cụ thể trên cơ sở cân bằng lợi ích kinh tế và chính trị.
Theo dantri.com.vn