Với hơn 30.000 người và thậm chí còn có nhiều điệp viên "ngoài sổ sách", Cơ quan An ninh Ukraine có quy mô lớn gần ngang Cục điều tra Liên bang Mỹ.
Đặc nhiệm SBU bắt người đàn ông bị nghi in khẩu hiệu ủng hộ Nga ở tỉnh Kharkov hồi tháng 7/2022 (Ảnh: AFP).
Vụ ám sát rúng động
Đỗ một chiếc scooter bên ngoài khu chung ở Moscow sẽ chẳng có gì lạc lõng khi loại xe điện hai bánh này là phương tiện di chuyển thường xuyên của rất nhiều người trong số 13 triệu cư dân thủ đô Nga.
Thế nhưng, điều khác thường với chiếc xe điện trên là nó không chở người mà mang theo vật liệu chết người tương đương với 100g - 300g thuốc nổ TNT.
Các nguồn tin được Financial Times trích dẫn cho biết, quả bom được một đặc vụ bí mật đặt gần tòa nhà trên phố Ryazansky Prospekt ở Moscow theo chỉ lệnh từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Một chiếc camera giấu kín sẽ ghi lại những gì xảy ra tiếp theo. Quả bom đã được kích nổ lúc sáng sớm, đúng thời điểm Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của Nga bước ra khỏi tòa nhà cùng viên trợ lý. Vụ nổ cướp đi sinh mạng của cả hai.
Vụ ám sát đánh dấu cuộc tấn công mới nhất trong khuôn khổ một chiến dịch ngầm đang gia tăng giữa Kiev và Moscow. Chúng được thực hiện bởi các cơ quan tình báo nhà nước đồ sộ mà Ukraine thừa kế từ các tổ chức tình báo Liên Xô. SBU là chính là phiên bản trực tiếp của KGB.
Hoạt động phía sau chiến tuyến của đối phương, những cơ quan này nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự và chính trị gia, phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng, hệ thống đường sắt, sử dụng các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp, gồm cả tấn công mạng và tuyên truyền thông tin sai lệch để gieo rắc hỗn loạn bên trong biên giới của nhau.
Một quan chức SBU xác nhận với Financial Times rằng chính tổ chức của ông chịu trách nhiệm về cái chết của Trung tướng Kirillov với cáo buộc ông này đã "ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học bị cấm chống lại quân đội Ukraine".
Các nhà điều tra làm việc tại hiện trường vụ nổ khiến chỉ huy lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov thiệt mạng (Ảnh: AFP).
SBU chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ ở nội địa nhưng kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea thì cơ quan này đã mở rộng hoạt động ra những vùng lãnh thổ do Điện Kremlin kiểm soát và ngay trong lòng nước Nga.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, SBU đã tấn công cầu Crimea, phá hủy Hạm đội Biển Đen bằng xuồng không người lái hải quân.
Viên sĩ quan tình báo SBU nói với Financial Times, một số vụ giết hại các nhà lãnh đạo ly khai thân Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk do Moscow kiểm soát trong giai đoạn 2014-2021 cũng do các điệp viên của Kiev thực hiện.
Financial Times dẫn lời một quan chức tình báo khác giấu tên cho biết, các điệp viên của SBU đã xâm nhập hoạt động bên trong biên giới Nga và họ cũng đã tuyển dụng những người Nga có tư tưởng chống Điện Kremlin để thực hiện hành vi phá hoại và thậm chí là ám sát.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 18/12 thông báo đã bắt giữ một nghi phạm người Uzbekistan liên quan đến vụ giết hại Tướng Kirillov.
Nghi phạm là Akhmad Kurbanov, 29 tuổi, quốc tịch Uzbekistan đã khai nhận được cơ quan tình báo Ukraine tuyển dụng để thực hiện điệp vụ với lời hứa sẽ được trả thù lao 100.000 USD.
Quy mô gần như FBI và được CIA hậu thuẫn
SBU đã trở thành một công cụ quan trọng để Ukraine chiến đấu với Nga trên nhiều mặt trận. Andrei Soldatov, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu đánh giá Nga đã phải vật lộn để chống lại những hoạt động từ phía Ukraine.
"FSB rất giỏi về khả năng điều tra những gì đã xảy ra nhưng không xuất sắc trong việc thu thập thông tin tình báo về những gì sắp xảy ra. Đó chính là những kỹ năng khác nhau", ông Soldatov nhận xét.
Nghị sĩ Valentyn Nalyvaichenko, người từng hai lần giữ chức giám đốc SBU cho biết, cơ quan này đã "thu thập rất nhiều thông tin và dữ liệu phản gián" về quân đội và lãnh đạo tình báo Nga. Họ đã tìm ra cách cài điệp viên, phá vỡ thông tin liên lạc bên trong lãnh thổ Nga và xác định các lỗ hổng trong mạng lưới tình báo của Moscow.
SBU hoạt động hiệu quả một phần dựa vào quy mô lớn của tổ chức mà trớ trêu thay lại thừa hưởng từ di sản của Liên Xô. Khi Ukraine tách ra độc lập vào năm 1991, SBU đã kế thừa nhiều cơ cấu, nguồn lực cũng như nhiệm vụ của KGB và sau đó không hề thu hẹp quy mô.
Với hơn 30.000 nhân viên và thậm chí còn có nhiều điệp viên "ngoài sổ sách", SBU lớn gần như ngang Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tổ chức có 35.000 điệp viên. SBU lớn gấp 7 lần cơ quan phản gián MI5 của Anh và lớn hơn 4 lần so với tình báo Mossad của Israel.
Người dân đi bộ bên ngoài tòa nhà chung cư ở Moscow trước vụ nổ khiến Trung tướng Igor Kirillov thiệt mạng (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn Financial Times hồi đầu năm nay, Vasyl Malyuk, Giám đốc SBU cho biết: "Một trong những nhiệm vụ chính của Cơ quan An ninh Ukraine, đặc biệt là thời chiến, là chống lại các tổ chức đặc biệt của đối phương".
"SBU nắm giữ những quyền lực to lớn, thậm chí một số người còn cho rằng họ nắm quá nhiều quyền lực", một nhà ngoại giao phương Tây nói với Financial Times.
Theo nhà ngoại giao này, SBU đã chứng tỏ họ không hề bị ảnh hưởng trước các cuộc cải cách lớn dù chịu sức ép từ những nước hậu thuẫn lớn nhất cho Ukraine, gồm Mỹ, nhóm các nước G7 và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Khi cuộc chiến tranh với Nga diễn ra, các quốc gia phương Tây trên đã bỏ qua một số phàn nàn và thay vào đó lại tăng cường quan hệ cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.
SBU cũng đã phát triển mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tổ chức đã đầu tư hàng triệu USD vào các chương trình đào tạo điệp viên Ukraine.
"Những gì chúng tôi bắt đầu từ năm 2014 thì hiện nay đang phát huy hiệu quả", ông Nalyvaichenko nói về sự hợp tác giữa SBU với các cơ quan tình báo phương Tây.
Theo dantri.com.vn