Greenland tính tách khỏi Đan Mạch sau khi ông Trump muốn Mỹ mua lại

Thứ 7, 04.01.2025 | 14:39:39
135 lượt xem

Lãnh đạo Greenland, đảo lớn nhất thế giới, bày tỏ mong muốn trở thành độc lập với Đan Mạch sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Washington mua lại hòn đảo.

Greenland tính tách khỏi Đan Mạch sau khi ông Trump muốn Mỹ mua lại - 1

Lãnh đạo Greenland Múte Egede (Ảnh: Reuters).

Lãnh đạo đảo Greenland, ông Múte Egede, đã kêu gọi hòn đảo độc lập khỏi Đan Mạch sau khi Tổng thống đắc cử của Mỹ, Donald Trump, tái khẳng định sự quan tâm đến việc mua vùng lãnh thổ ở Bắc Cực này.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, ông Egede nhấn mạnh sự cần thiết phải "loại bỏ các rào cản đối với hợp tác và tiến lên phía trước", ám chỉ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập.

"Sự hợp tác với các quốc gia khác và quan hệ thương mại của chúng ta không thể tiếp tục chỉ diễn ra thông qua Đan Mạch", ông nói. "Công việc đã bắt đầu nhằm tạo ra khung pháp lý cho Greenland như một quốc gia độc lập".

Greenland tính tách khỏi Đan Mạch sau khi ông Trump muốn Mỹ mua lại - 2

Đảo Greenland của Đan Mạch (Đồ họa: Britannica).

Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới với dân số khoảng 56.000 người, đã là một lãnh thổ tự trị trong Vương quốc Đan Mạch từ năm 1979. Chính quyền hòn đảo quản lý các vấn đề nội bộ trong khi Copenhagen giám sát các chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Hòn đảo này có quyền hợp pháp để tuyên bố độc lập, nhưng vẫn tồn tại các lo ngại về tính bền vững kinh tế, do nền kinh tế Greenland phụ thuộc lớn vào đánh bắt cá và các khoản trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch, chiếm khoảng 2/3 ngân sách của họ.

Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 64% người dân Greenland ủng hộ độc lập hoàn toàn. Tuy nhiên, một khảo sát năm 2017 lại tiết lộ rằng 78% phản đối nếu điều đó dẫn đến việc mức sống bị giảm sút.

Động thái của Greenland diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hồi tháng 12 cho rằng "vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cho rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định mua Greenland, gọi đây là "một thương vụ bất động sản lớn". Cả Đan Mạch và Greenland nhiều lần lên tiếng phản đối điều này.

"Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ là để bán", ông Egede tuyên bố vào tháng 12. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng Greenland không phải là hàng hóa trên thị trường.

Ngay sau bài đăng của ông Trump, Đan Mạch đã công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và tại Greenland. Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen công bố một gói phòng thủ trị giá hơn 1,5 tỷ USD nhằm nâng cao giám sát và an ninh trong khu vực. Sáng kiến này bao gồm triển khai tàu tuần tra, máy bay không người lái tầm xa, và thêm nhân lực cho Bộ Chỉ huy Bắc Cực.

"Chúng ta đã không đầu tư đủ vào Bắc Cực trong nhiều năm qua và giờ đây, chúng ta đang lên kế hoạch hiện diện mạnh mẽ hơn", ông Poulsen nói.

Tầm quan trọng chiến lược của Greenland đã gia tăng nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chẳng hạn như các khoáng sản đất hiếm, và vị trí then chốt ở Bắc Cực, nơi ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn do biến đổi khí hậu.

Tiềm năng khai thác tài nguyên và các tuyến vận tải mới tại Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm toàn cầu, đặc biệt từ Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp sắp tới tại Greenland, dự kiến được tổ chức trước ngày 6/4, được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định con đường tương lai của hòn đảo. "Cần phải có những bước tiến lớn… Giai đoạn bầu cử sắp tới cần tạo ra những bước tiến mới", ông Egede phát biểu.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/greenland-tinh-tach-khoi-dan-mach-sau-khi-ong-trump-muon-my-mua-lai-20250104113816995.htm

  • Từ khóa