Ngành công nghệ Trung Quốc mạnh tay xử lý bê bối

Thứ 7, 02.05.2020 | 14:39:32
819 lượt xem

Quyết định giáng chức Tưởng Phàm, Chủ tịch Taobao và Tmall, phản ánh cơ chế quản lý khắt khe của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Đầu tuần này, Tưởng Phàm, Chủ tịch hai trang thương mại điện tử thuộc tập đoàn Alibaba, bị loại khỏi ban quản trị vì bê bối cá nhân. Ông cũng không còn là Phó chủ tịch cấp cao của Alibaba và bị cắt một năm tiền thưởng.

Giới chuyên gia đánh giá quyết định kỷ luật đối với "ngôi sao đang lên" của Alibaba là lời nhắc nhở rằng không có gì đủ lớn để tránh sụp đổ, cũng như phản ánh chính sách quản lý doanh nghiệp khắt khe trong ngành công nghệ Trung Quốc.

"Thách thức với các công ty lớn như Alibaba, Huawei hay Lenovo là làm thế nào để phân bổ quyền lực và trách nhiệm cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, trong khi vẫn duy trì năng suất và sự cân bằng", Joseph Fan, Giáo sư tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận định.

            Jiang Fan, chủ tịch Taobao và Tmall, loại khỏi ban quản trị và cắt thưởng vì liên quan đến bê bối tình ái với KOL Zhang Dayi. Ảnh: Posta.

Tưởng Phàm bị loại khỏi ban quản trị và cắt thưởng vì liên quan đến bê bối tình ái với Trương Đại Dịch. Ảnh: Posta.

Tưởng Phàm, sinh năm 1985, được thăng chức chủ tịch Taobao vào tháng 12/2017 và chủ tịch Tmall tháng 3/2019. Ông là giám đốc cấp cao trẻ nhất, điều hành hai trang thương mại điện tử lớn. 

Ngày 17/4, vợ của Tưởng Phàm đăng lời cảnh báo tình nhân của chồng lên Weibo. Người cô nhắc đến là Trương Đại Dịch, người mẫu có 12 triệu fan trên mạng xã hội này. Vụ bê bối nhanh chóng gây ra cơn bão truyền thông tại Trung Quốc.

Đầu tuần này, Alibaba đã điều tra và quyết định giáng chức, xoá tên Tưởng Phàm khỏi danh sách thành viên hội đồng quản trị. Theo thông cáo của công ty, ở vị trí của mình, Tưởng Phàm đã không giải quyết thoả đáng chuyện gia đình, làm ảnh hưởng đến uy tín tập đoàn. Cuộc điều tra do Giám đốc nhân sự của Alibaba là Jiang Fang phụ trách. Bà nổi tiếng là "người đàn bà thép", từng thúc ép Jack Ma thắt chặt chính sách quản lý và quy định đạo đức tại Alibaba.

Tưởng Phàm từng được coi là người kế nhiệm sáng giá cho vị trí CEO của Alibaba. "Loại Tưởng Phàm khỏi ban quản trị là quyết định khó khăn, nhưng cũng cho thấy ban quản trị mới sẵn sàng xử lý bất kỳ sai lầm cá nhân nào. Điều đó có lợi cho việc tìm kiếm người kế thừa trong tương lai", Giáo sư Joseph Fan nói.

Theo ông, một hệ thống quản lý tốt sẽ hỗ trợ cho việc lựa chọn và trau dồi ứng viên tài năng, thúc đẩy họ thăng tiến, kiếm thêm thu nhập và tôn trọng văn hóa doanh nghiệp, trong khi vẫn theo dõi hành vi và hiệu quả của họ.

Năm 2010, Alibaba thành lập ban quản trị 38 người như một phần trong kế hoạch tìm người xứng đáng thay thế Jack Ma. Những thành viên này nắm quyền lực cao nhất tại tập đoàn, có thể đưa ra quyết định quan trọng như bổ nhiệm vị trí giám đốc.

Trước Tưởng Phàm, bê bối cá nhân cũng ảnh hưởng đến vị trí của một số giám đốc điều hành cao cấp ngành công nghệ. Năm 2018, Brian Krzanich, Giám đốc điều hành Intel, phải từ chức sau khi bị phát hiện bao che một nhân viên vi phạm chính sách công ty.

Cùng năm 2018, Richard Liu, nhà sáng lập và CEO sàn thương mại điện tử JD.com, bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp tại Mỹ. Ông phải vắng mặt ở một số cuộc họp nội bộ, dù kiểm soát hơn 80% quyền biểu quyết. Liu sau đó được xóa tội danh do không đủ bằng chứng. Dù vẫn giữ chức CEO, ông phải từ bỏ một số vai trò tại JD.

Paul Onwell, luật sư tại Pinsent Masons, nhận xét Alibaba và JD thành công nhờ được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng kết nối và thu hút mọi người. "Alibaba có rất nhiều nhân tài nên sự cố của Tưởng Phàm không gây hậu quả lớn cho họ", ông nói.

"Quyết định giáng chức cho thấy Tưởng Phàm không còn là người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí CEO Alibaba", Ming Lu, chuyên gia của hãng phân tích thị trường Aequitas Research, dự đoán. "Đó là vấn đề lớn của cá nhân ông Tưởng, nhưng không gây ra tác động tiêu cực tới Alibaba".


Việt Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nganh-cong-nghe-trung-quoc-manh-tay-xu-ly-be-boi-4092936.html

  • Từ khóa