Dấu chấm hết của những dự án công nghệ trong mơ

Thứ 4, 03.06.2020 | 07:55:08
526 lượt xem

Các hãng công nghệ đang siết chặt đầu tư, hạn chế vung tiền cho những dự án lớn trong tương lai vì khó khăn kinh tế hậu Covid-19.

Đơn vị quản lý các dự án lớn của Google được mang biệt danh "bay tới Mặt Trăng". Cụm từ này mô tả những dự án trong mơ và đầy tham vọng được các lãnh đạo công nghệ ấp ủ nhưng vẫn đủ hấp dẫn để họ đánh cược những khoản đầu tư khổng lồ, đặc biệt là với những công ty với ngân sách hàng tỷ USD và giấc mơ vươn khắp toàn cầu.

Những khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất ở Thung lũng Silicon, bao gồm xe tự lái, thay đổi hình thức giao thông và chinh phục không gian, đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ những năm gần đây khi ngành công nghệ phát triển mạnh.

Các nhà đầu tư sẵn sàng ưu tiên tiến bộ công nghệ, dù điều này diễn ra rất chậm, thay vì chạy theo lợi nhuận. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế do Covid-19 gây ra dường như đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ các khoản đầu tư khổng lồ, nhất là khi nhiều dự án không mang lại nhiều kết quả tích cực.

Xe tự lái đáng lẽ đã phải bán ra cho công chúng, nhưng đó chỉ là viễn cảnh đáng buồn cười trong bối cảnh những dự án hàng đầu cũng đã đình trệ tiến độ từ lâu. Xe máy điện dùng chung, dự án từng xuất hiện khắp nơi, đã biến mất khỏi những đường phố trên khắp thế giới. Trong khi đó, các công ty vận hành tên lửa thương mại liên tục đối mặt tình trạng hủy dự án và mất doanh thu khi hết tiền đầu tư.

Liệu tầm nhìn tương lai trong mơ của Thung lũng Silicon đã gặp thực tế phũ phàng hay chưa?

Các dự án đầy tham vọng nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Telegraph.

Các dự án công nghệ tham vọng nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Telegraph.

Một khảo sát của Đại học San Francisco, Mỹ, hồi đầu năm cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành công nghệ đang ở mức thấp nhất trong 16 năm qua. Một người còn cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ "tàn sát" lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nhiều dự án kiểu "phóng lên Mặt Trăng" đã không thể thực hiện lời hứa từ trước khi Covid-19 bùng phát. "Kỷ nguyên Softbank", đặt theo tên ngân hàng Nhật Bản liên tục đầu tư các dự án được trông đợi nhất 10 năm qua nhưng lại gây thất vọng, đã chứng kiến hàng triệu USD được đổ vào những công ty không mang lại lợi nhuận, thậm chí phá sản một cách ngoạn mục.

Nỗi thất vọng lớn nhất dường như là xe tự lái. Khi Google bắt đầu đổ tiền đầu tư vào năm 2009, các nhà đầu tư từng dự đoán chúng sẽ trở nên phổ biến sớm nhất vào năm 2017. Điều đó vẫn chưa diễn ra, dù năm 2020 đã đi được một nửa chặng đường.

Covid-19 đã gây thêm hàng loạt khó khăn cho lĩnh vực này, khiến ngân sách bị cắt giảm và quá trình phát triển liên tục bị trì hoãn. Uber đã loại bỏ dự án từng được coi là con ngỗng vàng không thể bị đe dọa, General Motors và Zoox cũng cắt giảm chương trình. Tập đoàn Ford thông báo dự án xe tự lái sẽ bị lùi từ năm 2021 sang 2022.

Waymo, công ty con của Google, từng huy động được 2,25 tỷ USD cho dự án xe tự lái hồi tháng 3, cho thấy số tiền đầu tư khổng lồ để công nghệ này hoàn thiện. Trong khi đó, công ty mẹ Alphabet chỉ đạt lợi nhuận khoảng 34 tỷ USD trong năm 2019.

"Chưa có khoản đầu tư nào mang lại doanh thu. Google phải tìm đến các nhà đầu tư bên ngoài, tức là dự án đó phải đắt đỏ đến mức khó tưởng", Greg Sands, chuyên gia thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Costanoa Ventures ở San Francisco, cho hay.

Xe tự lái chưa mang lại lợi nhuận, nhưng vẫn tiêu tốn rất nhiều tiền. Tiến độ chậm chạp khiến các nhà đầu tư đang nhắm tới những thách thức công nghệ đơn giản hơn như giao đồ ăn. Robot giao đồ ăn, di chuyển với tốc độ chậm trên vỉa hè dường như có nhiều tiềm năng mang về lợi nhuận hơn, đồng thời chứa đựng ít tham vọng và khó khăn hơn giấc mơ về một chiếc xe tự lái hoàn toàn.

Đắt đỏ hơn xe tự lái là du hành không gian, đây là lĩnh vực chứng kiến những thất bại rõ ràng nhất của ngành công nghệ. Công ty vận hành vệ tinh OneWeb đệ đơn xin phá sản hồi tháng 3, trong khi nhiều công ty nhỏ đang chật vật khi hết đơn hàng và hoạt động phóng tên lửa liên tục bị hoãn.

Dễ tổn thương nhất là tên lửa đẩy hạng nhẹ với khả năng mang tối đa hai tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp gần Trái Đất (LEO).

"4-5 tên lửa đang chuẩn bị phóng vào thời điểm đại dịch bùng phát. Đây là lĩnh vực cạnh tranh rất quyết liệt, trong đó có rất nhiều startup mới thành lập hoặc vừa bắt đầu hoạt động. Họ không có nhiều vốn và phải cắt giảm nhân sự, cũng như năng lực cạnh tranh", Eric Stallmer, chủ tịch Hiệp hội Du hành không gian Thương mại, cơ quan đại diện cho các công ty vũ trụ tư nhân, nhận xét.

Thành công của những công ty như SpaceX, trong đó gồm đưa người thành công lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), ít nhất cho thấy họ có thể trông đợi vào chính phủ Mỹ để cấp vốn cho những dự án được tin tưởng.

Tàu Crew Dragon đưa hai phi hành gia lên ISS hôm 30/5. Ảnh: AFP.

Tàu Crew Dragon đưa hai phi hành gia lên ISS hôm 30/5. Ảnh: AFP.

Chính phủ Mỹ đang dành nguồn vốn cho các công ty không gian nhỏ thông qua Đơn vị Cải cách Quốc phòng (DIU) và Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc. "Chương trình Afwerx của không quân Mỹ cũng liên tục phát tín hiệu tìm kiếm những công ty cần hỗ trợ. Thông điệp của họ là 'chúng tôi muốn chi tiền cho các bạn, chúng tôi có thể giúp các bạn như thế nào'", Stallmer cho hay.

Xe điện dùng chung không hẳn là một dự án trên trời, công nghệ được ứng dụng cũng rất thực tế. Tuy nhiên, những người ủng hộ nó lại tin rằng xe máy điện có tiềm năng tái định hình các thành phố, cũng như phương thức đi lại của con người.

Các chuyên gia ước tính đã có 3 đến 5 tỷ USD được đổ vào ngành này trong hai năm qua, bắt đầu từ thời điểm các công ty dẫn đầu như Lime, Bird, Jump và Skip xuất xưởng xe điện với tốc độ và số lượng khổng lồ.

Tuy nhiên, Uber gần đây đã bán Jump, công ty được coi là sở hữu xe điện tốt nhất thị trường, cho đối thủ cạnh tranh Lime với lý do dự án đang hút dần nguồn tiền của họ. Toàn bộ công ty trong lĩnh vực này gần như không mang lại lợi nhuận trong khi phải mang gánh nặng hậu cần nhằm quản lý, bảo dưỡng hàng nghìn chiếc xe công cộng.

Những người lạc quan tin rằng họ có thể nhận được cú hích từ đại dịch, khi các phương tiện giao thông công cộng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ lây nhiễm nCoV. Xe điện sẽ là lựa chọn tốt ở những thành phố có ít người sở hữu ôtô riêng.

"Tôi cho rằng lợi nhuận sẽ lớn hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm công ty Tesla tiếp theo. Phương tiện hạng nhẹ chạy bằng điện có tiềm năng lớn và thị trường màu mỡ không thua kém Tesla. Nó có thể là các mẫu xe cá nhân, không phải chia sẻ và sẽ đòi hỏi ít nguồn lực bảo đảm hậu cần hơn", James Gross, đồng sáng lập công ty Micromobility Industries chuyên liên kết các hãng xe điện, cho hay.

Dù vậy, bán xe máy điện cho khách hàng là mục tiêu khác xa với tầm nhìn của Thung lũng Silicon về mạng lưới phương tiện chia sẻ được kết nối với nhau.

Tình hình hiện nay sẽ không đánh sập những ngành nêu trên, nhưng các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ siết chặt quản lý nguồn tiền cho các dự án "bay lên Mặt Trăng". "Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến sự trở lại với những nguyên tắc cơ bản, tập trung vào hiệu quả và con đường dẫn tới lợi nhuận. Mọi người sẽ phải tái điều chỉnh kỳ vọng và nhìn nhận thực tế mới", Sands nhận xét.

Những công ty muốn giải quyết vấn đề kỹ thuật, y tế và khoa học vĩ mô sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến, thay vì những dự án tập trung vào người dùng phổ biến trong những năm qua.

Sinh học tính toán, máy tính lượng tử và giải trình tự gen là các chương trình rất tốn kém mà không bảo đảm thành công về thương mại, nhưng có thể thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư muốn giải quyết các vấn đề lớn nhất trong thời đại hiện nay.


Điệp Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/dau-cham-het-cua-nhung-du-an-cong-nghe-trong-mo-4109361.html

  • Từ khóa