Cuối tháng 6, Phan Hằng, 32 tuổi ở Hà Nội, nhận một cuộc gọi lạ, thông báo cô liên quan đến một vụ án. Người gọi biết một số thông tin của cô.
Hằng cho biết, cuộc gọi vừa rồi không phải là lần đầu tiên. Khoảng 2 tháng gần đây, cô nhận được không dưới 10 cuộc gọi "bất thường". Các cuộc gọi này thường đến từ những đầu số lạ, như 00 hoặc +373, vốn không phải là các đầu số điện thoại quen thuộc tại Việt Nam. Trong phần lớn các cuộc gọi, đầu dây bên kia thường chỉ nháy máy hoặc ngắt ngay sau khi bắt máy. Với trường hợp cuối tháng 6, người gọi chủ động nêu vấn đề và yêu cầu Hằng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu...
Vốn đã được cảnh báo nhiều về chiêu trò này, Hằng lập tức tắt máy. Cô cũng đăng vấn đề mình gặp lên trang cá nhân để cảnh báo bạn bè. Trong phần bình luận, hàng chục người cũng cho biết họ từng nhận được các cuộc gọi tương tự.
Trên mạng xã hội, câu chuyện bị lừa qua điện thoại một người dùng tên Thu Hà đã thu hút hơn 2 nghìn bình luận, 30 nghìn lượt chia sẻ. Hàng nghìn người cho biết họ đã gặp các tình huống giống Hà qua điện thoại.
Cuộc gọi nháy máy từ những đầu số lạ có thể là dấu hiệu của một cuộc gọi lừa đảo.
Chiêu lừa đảo qua điện thoại gần đây lại "tấn công" người dùng trong nước. Theo chia sẻ từ một nhà mạng lớn, mặc dù đây là thủ đoạn không mới, do đánh trúng tâm lý của nhiều người, kẻ xấu vẫn dụ được không ít người gọi lại, hoặc đồng ý làm theo yêu cầu mà chúng đưa ra. Có nạn nhân đã bị lừa mất 700 triệu đồng.
Có 2 dạng lừa đảo qua điện thoại phổ biến hiện nay: Lừa đảo phát sinh cước quốc tế và lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng việc mạo danh các cơ quan chức năng.
Ở dạng lừa đảo phát sinh cước quốc tế, dấu hiệu nhận biết là những cuộc gọi dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối nhưng thời lượng rất ngắn. Nội dung thường yêu cầu người nghe gọi lại. Số điện thoại gọi hoặc nhắn tin đến hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (mã Việt Nam), mà thường là một số mã như +373 (Moldova), +216 (Tunisia), +240 (Equatorial Guinea), +226 (Burkina Faso)... Ngoài ra, các cuộc gọi này thường diễn ra vào buổi tối hoặc nửa đêm, khi trời gần về sáng. Lúc này, người nghe không tỉnh táo, hoặc tưởng người thân ở nước ngoài gọi có chuyện gấp. Nếu gọi lại, họ sẽ nhanh chóng hết tiền trong tài khoản (với thuê bao trả trước) vì cước phí cao.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia viễn thông, các nước nói trên thường có hạ tầng viễn thông dạng sơ khai nên cước phí cuộc gọi khá cao. Kẻ xấu sẽ tận dụng nhiều kẽ hở viễn thông để lấy tiền từ phần cước phí này.
Dạng lừa đảo thứ hai - mạo danh các cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản - là "kịch bản" quen thuộc của kẻ xấu. Phần lớn, chúng gọi điện, nhắn tin mạo danh công an, Viện kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án hình sự. Chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ điều tra.
Một số trường hợp thông báo có quà từ nước ngoài, yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí trước. Nhiều người đã tin theo và cung cấp thông tin tài khoản, hoặc chuyển khoản cho kẻ xấu.
Các nhà mạng tại Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế vấn nạn này nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo đại diện một nhà mạng, cách tốt nhất là người dùng nên tự trang bị kiến thức, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bất thường. Người dùng cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, chỉ gọi đi quốc tế khi chắc chắn đó là số điện thoại của người thân.
Các chuyên gia viễn thông khuyên rằng người dùng nên có thói quen tìm kiếm thông tin về số điện thoại trước khi gọi lại hoặc đặt chế độ giới hạn thời gian gọi. Với điện thoại thông minh, người dùng có thể cài chức năng hiển thị tên nước của số điện thoại gọi đến.
Lưu Quý/vnexpress.net
https://vnexpress.net/dau-hieu-nhan-biet-cuoc-goi-lua-dao-4131655.html