Các hãng Trung Quốc đang chuẩn bị cho điều xấu nhất

Thứ 4, 12.08.2020 | 09:32:45
1,375 lượt xem

Những phát biểu gần đây của giới chức Mỹ cho thấy họ có thể áp dụng đòn trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc tương tự Huawei năm 2019.

Bước tiếp theo trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gần kề. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần trước nói Mỹ muốn cấm các ứng dụng Trung Quốc "không đáng tin cậy" trên cửa hàng ứng dụng của các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại di động tại nước này. Ông cũng tuyên bố Washington muốn ngăn ứng dụng Mỹ được cài sẵn hoặc cho phép tải về điện thoại hoặc thiết bị không dây do các hãng Trung Quốc như Huawei sản xuất.

Cụm từ "không đáng tin cậy" chưa được làm rõ và có nhiều cách diễn giải khác nhau, nhưng đây có thể là lời cảnh báo tới mọi hãng sản xuất smartphone Trung Quốc và thúc đẩy họ chuẩn bị những biện pháp đề phòng từ bây giờ. Những tuyên bố của giới chức Mỹ gần đây cũng tương đồng với ngôn ngữ được sử dụng trước khi họ hành động nhằm vào Huawei.

Các chipset Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Notebook Check.

Chipset Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Notebook Check.

Lệnh cấm Huawei từng khiến cả thế giới chú ý hồi giữa năm 2019, khi Mỹ liệt tập đoàn Trung Quốc này vào danh sách những thực thể bị cấm làm ăn tự do với các công ty Mỹ và những doanh nghiệp có sử dụng công nghệ Mỹ. Những biện pháp trừng phạt tương tự có thể dễ dàng ảnh hưởng tới hàng loạt thương hiệu điện thoại Android ở Trung Quốc và họ cần chuẩn bị đối mặt với những thử thách tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều.

Đối đầu Mỹ - Trung: Khó cho Huawei, tệ hơn nhiều với các hãng khác

Một trong những công ty lớn nhất phải cắt quan hệ với Huawei là Google. Sự thiếu hụt Google Play Services là đòn đánh mạnh vào thương hiệu điện thoại Trung Quốc. Toàn bộ điện thoại và tablet được Huawei xuất xưởng gần đây không được kèm ứng dụng nào của Google. Vị thế của Huawei trên thị trường thế giới vẫn vững mạnh, nhưng phần lớn nhờ vào doanh số ở trong nước, nơi Google không có ảnh hưởng.

Số phận tương tự cũng chờ đón nhiều hãng sản xuất smartphone Trung Quốc nếu chính phủ Mỹ đánh giá mọi nhãn hiệu Trung Quốc đều "không đáng tin cậy". Ngôn ngữ chung chung của chính quyền Trump cho thấy không thương hiệu nào an toàn, từ OnePlus và TCL đến Oppo và Xiaomi.

Một trong những cách hạn chế thiệt hại là xin chứng nhận của Google cho thiết bị càng sớm càng tốt. Đây không phải cách chống lại lệnh cấm vận của Mỹ mà chỉ là biện pháp trì hoãn, nhưng nó cho phép các hãng OEM Trung Quốc lập danh sách thiết bị được cài ứng dụng Google trước khi đòn trừng phạt có hiệu lực.

Một giải pháp khác ít được các hãng tính tới là thay đổi thương hiệu của những sản phẩm hiện có. Điều này từng diễn ra trong quá khứ với mẫu Huawei P30 Pro New Edition. Tuy nhiên, nó chỉ thay đổi được lớp vỏ bên ngoài và không mang lại đột biến nào về công nghệ.

Chính sách hủy diệt hoàn toàn

Lệnh cấm giao dịch của Mỹ không chỉ khiến các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc mất quyền tiếp cận sản phẩm từ Google, mà còn ngăn họ sử dụng những linh kiện làm nên nền tảng vận hành của hàng loạt thiết bị Android hiện nay.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể hạn chế hoặc cắt đứt nguồn cung vi xử lý cho Oppo, OnePlus và Xiaomi. Không hãng nào trong số này có năng lực tự thiết kế chip như công ty HiSilicon với chipset Kirin của Huawei. Tất cả đều phải dùng chip tích hợp của Qualcomm hoặc MediaTek.

Oppo xác nhận đang thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực này, nhưng vẫn bị các hãng thiết kế chip khác bỏ xa nhiều năm. Nếu những tập đoàn như Oppo có thể tự thiết kế chipset, sản phẩm của họ vẫn kém xa những đối thủ như Qualcomm về sức mạnh xử lý, tính năng và hiệu quả hoạt động.

Ngay cả khi Oppo và Xiaomi có thể cho ra đời những chipset tối tân, đủ sức cạnh tranh với Qualcomm, họ vẫn cần nhà máy để chế tạo chúng. Đây chính là tình cảnh hiện nay của Huawei, khi hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC bị cấm bán sản phẩm cho HiSilicon. Huawei xác nhận Mate 40 sẽ là dòng điện thoại cuối cùng dùng chip Kirin.

Nếu những biện pháp tương tự được Mỹ áp dụng trên quy mô lớn, nhiều OEM Trung Quốc sẽ phải chọn các nhà sản xuất chip thua kém hơn TSMC và không sử dụng công nghệ Mỹ. Thật khó tưởng tượng điện thoại hàng đầu của OnePlus không được trang bị chip Snapdragon mới nhất, nhưng kịch bản này ngày càng trở nên thực tế.

Khó tưởng tượng các smartphone Trung Quốc không còn dùng chip Snapdragon. Ảnh: Trusted Review.

Khó tưởng tượng các smartphone Trung Quốc không còn dùng chip Snapdragon. Ảnh: Trusted Review.

Phương án tốt nhất trong ngắn hạn là tích trữ chipset và các linh kiện quan trọng, nhưng điều này cũng không bảo đảm khả năng sống còn của họ trong dài hạn.

Thống kê của nhiều công ty nghiên cứu cho biết 70% sản phẩm xuất xưởng của Huawei trong quý II/2020 là dành cho thị trường Trung Quốc. Thị phần trong nước cùng nguồn lực khổng lồ giúp Huawei có vị trí tốt nhất để đối phó đòn trừng phạt từ Mỹ so với các hãng điện thoại khác của Trung Quốc.

Xiaomi và Realme hiện đầu tư mạnh vào Ấn Độ, trong khi OnePlus là một trong số ít thương hiệu Trung Quốc bám trụ được tại thị trường Mỹ. Những vị trí này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu họ không được tiếp cận dịch vụ của Google, cũng như các sản phẩm chip hiện đại nhất trên thị trường.

ZTE từng chịu thiệt hại nặng nề khi hứng chịu đòn cấm vận kéo dài vài tuần của Mỹ hồi năm 2018. Điều tương tự sẽ xảy đến với những công ty nhỏ, không có nguồn tài chính và ảnh hưởng như Huawei.

Đồng lòng đối phó đòn trừng phạt

Một giải pháp tiềm năng là các hãng Trung Quốc thành lập một mặt trận thống nhất để chống lại những lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây dường như là ý tưởng khác thường khi cho rằng các đối thủ cạnh trang sẽ hợp tác cùng nhau, nhưng điều này lại từng diễn ra trong quá khứ.

Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei hồi đầu năm nay đã cùng thành lập Liên minh Dịch vụ cho các nhà phát triển toàn cầu (GDSA), nhằm mục tiêu tối ưu hóa quá trình tải nội dung nước ngoài lên chợ ứng dụng của từng hãng và đơn giản hóa việc quảng cáo những nội dung này.

Cách tiếp cận này không giống thành lập chợ ứng dụng thống nhất. Nó sẽ đối mặt hàng loạt thử thách, nhưng cũng là phương án tốt nhất khi thiếu vắng dịch vụ Google, nhất là với những công ty muốn mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc.

Oppo, Vivo và Xiaomi gần đây khởi động Liên minh Truyền dữ liệu Ngang hàng nhằm hỗ trợ chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị, tính năng mới bị Google loại bỏ. Bên cạnh đó là Liên minh Đẩy thông báo Thống nhất, phương án thay thế dịch vụ của Google, với sự góp mặt của Huawei, OnePlus, Oppo, Vivo, Xiaomi, Realme và cả Samsung.

Những sáng kiến này cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc và cả Hàn Quốc sẵn sàng phối hợp cùng nhau để giải quyết những vấn đề mà Google không thể hoặc không muốn xử lý. Một lệnh cấm vận rộng khắp nhằm vào giới OEM Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy hợp tác.

Liệu các thương hiệu Trung Quốc có thể tiến thêm một bước và phát triển nền tảng thay thế Android, thậm chí cùng Huawei thúc đẩy Harmony OS hay không? Hệ điều hành do Huawei tự phát triển chưa sẵn sàng triển khai cho smartphone, nhưng họ chắc chắn vẫn muốn các hãng điện thoại Trung Quốc ủng hộ nền tảng này để mở rộng tầm phủ sóng. Nó cũng lấp khoảng trống bị Android bỏ lại trong các thiết bị như đồng hồ thông minh, IoT và TV.

Chiến tranh thương mại và đối đầu Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều đó sẽ khiến các hãng OEM Trung Quốc phải xem xét mọi giải pháp nhằm đề phòng những đòn trừng phạt tiềm tàng từ chính quyền Trump.


Điệp Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/cac-hang-trung-quoc-dang-chuan-bi-cho-dieu-xau-nhat-4144914.html

  • Từ khóa