Lệnh cấm WeChat của chính quyền Trump tác động đến cả doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc và khiến ngành công nghệ toàn cầu chia rẽ.
Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cấm WeChat, trừ khi có một công ty Mỹ mua lại ứng dụng này trong thời hạn 45 ngày, sau đó tăng lên 90 ngày. Việc nhắm thẳng vào WeChat khiến công ty mẹ Tencent lao đao, cổ phiếu giảm mạnh. Hãng công nghệ này hiện là một trong những doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới. Công ty đang có những xúc tiến sâu rộng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ trên toàn cầu, bao gồm Mỹ.
WeChat là một trong những mục tiêu cấm vận của chính phủ Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Là hãng game lớn nhất tính theo doanh thu, Tencent đã hậu thuẫn cho không ít công ty giải trí và game nổi tiếng của Mỹ, như Epic Games, Glu và Universal Music Group. Những năm gần đây, "gã khổng lồ Internet Trung Quốc" còn đổ hàng tỷ USD vào Tesla, Snap, Reddit, Lyft và Zoox - công ty sắp được Amazon mua lại.
Với vùng phủ sóng rộng lớn, Tencent được ví là "SoftBank của Trung Quốc". Theo một số liệu gần đây, hãng Internet Trung Quốc đã vượt qua tập đoàn đầu tư nổi tiếng này của Nhật Bản để trở thành công ty có lượng tiền rót vào các doanh nghiệp tư nhân được định giá trên một tỷ USD cao thứ hai, sau Sequoia Capital. SoftBank đứng thứ ba.
Theo dữ liệu từ PitchBook, công ty chuyên nghiên cứu và theo dõi thị trường vốn tư nhân, Tencent đã thực hiện 53 khoản đầu tư trên toàn cầu trong năm 2020, cao hơn so với 37 khoản của SoftBank. Dù vậy, SoftBank vẫn hoạt động tích cực hơn ở thị trường Mỹ với 16 giao dịch, trong khi Tencent chỉ có ba. "Tencent là nhà đầu tư quyền lực nhất ở Trung Quốc hiện nay", Arun Sundararajan, Giáo sư tại trường kinh doanh Stern của Đại học New York, nhận xét.
Theo Sundararajan, việc nhắm mục tiêu WeChat, một trong những "tài sản" lớn nhất của Tencent, chính quyền Trump đã cản trở tham vọng bành trướng toàn cầu của công ty Trung Quốc. Động thái từ Nhà Trắng sẽ khiến Tencent nói riêng và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung không muốn đầu tư, hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ trong tương lai.
"Thị trường Mỹ đang có sự không chắc chắn với các nhà đầu tư và doanh nghiệp cao nhất mọi thời đại", Harry Broadman, người từng là chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, cho biết. "Với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do đại dịch, đây không phải là lúc tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế".
Tencent cùng các nhà đầu tư Trung Quốc khác bắt đầu có động thái rút lui khỏi Mỹ do mối quan hệ Mỹ - Trung ngày một xấu. Một số báo cáo cho thấy, việc đầu tư từ doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ bắt đầu chậm lại từ 2018, khi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) tăng cường giám sát các giao dịch liên quan đến một số sản phẩm công nghệ nhất định, cũng như các nhà đầu tư Trung Quốc.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc cấm WeChat đang đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền Trump có quan tâm đến các doanh nghiệp Mỹ đang "làm ăn" với Tencent thông qua quan hệ đối tác hoặc đầu tư hay không.
Giới quan sát đánh giá các động thái của Mỹ về cơ bản có thể làm thay đổi thị trường kỹ thuật số trong tương lai gần, ít nhất là dựa vào lệnh cấm WeChat và TikTok.
Peter Petri, giáo sư Đại học Brandeis, cho rằng các động thái cấm vận của Trump tương tự cách Trung Quốc kiểm soát Internet tại nước họ thông qua Great Firewall. "Đó có thể là sự khởi đầu cho một 'bức tường lửa' lớn hơn của Mỹ", Petri dự đoán.
Bảo Lâm/vnexpress.net
https://vnexpress.net/nganh-cong-nghe-phan-cuc-vi-lenh-cam-wechat-4147545.html