Nếu giao dịch ngân hàng sử dụng định danh điện tử, kẻ xấu sẽ không dám thực hiện việc lừa đảo bằng tài khoản không chính chủ, do sẽ lộ mặt.
Giữa năm nay, hàng trăm người dùng tại Việt Nam bị lừa bởi một tổ chức chuyên rao bán tài khoản Netflix giá rẻ. Ban đầu, chúng rao bán tài khoản giá 30.000 đồng, rẻ bằng 1/10 Netflix. Để lấy niềm tin từ người dùng, tổ chức này chuyển cho những người có ý định mua hàng hình scan chứng minh thư của người được cho là bên bán cùng thông tin tài khoản ngân hàng thật. Sau khi nhận tiền, chúng biến mất. "Tôi đã thử mò theo thông tin tài khoản để tìm, nhưng người này cho biết họ cũng là nạn nhân, bị lừa lấy thông tin để làm thẻ ngân hàng" - Hoàng Anh, một nạn nhân cho biết.
Chiêu sử dụng tài khoản của người khác để lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội từ lâu nhưng vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Mới đây, kẻ xấu cũng mạo danh fanpage của ca sĩ Thuỷ Tiên để lừa tiền từ thiện, gửi vào một tài khoản ngân hàng mang tên Le Thi Ngan. Theo các chuyên gia trong ngành, Le Thi Ngan cũng chỉ là nạn nhân của trò lừa này, nghĩa là bị sử dụng tài khoản để lừa đảo.
"Kẻ xấu có thể mua các tài khoản ngân hàng với giá vài trăm nghìn đồng từ những người nhẹ dạ, dụ họ đưa cả thẻ, mật khẩu, tài khoản Internet banking. Sau đó, chúng sẽ dùng tài khoản này để thực hiện lừa đảo trên mạng mà không bị phát hiện danh tính thực", Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT nhận định.
Theo ông Hy, một trong những giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này là sử dụng eKYC - định danh điện tử - trong các giao dịch ngân hàng.
eKYC - định danh điện tử - là công nghệ đang được nhiều ngân hàng, các tổ chức bảo hiểm, giáo dục, y tế... quốc tế sử dụng để nhận dạng khách hàng, xác thực giấy tờ và kiểm tra gian lận. Công nghệ này sử dụng camera ghi lại khuôn mặt của người dùng, đối chiếu với giấy tờ tùy thân được xử lý bằng công nghệ nhận dạng ký tự OCR để phát hiện các dấu hiệu bất thường của người dùng, chẳng hạn giấy tờ bị tẩy xoá, mờ nhoè, cắt góc, giấy tờ được scan. Nhờ eKYC, các tổ chức sẽ phát hiện được các trường hợp giấy tờ giả mạo, thông tin người dùng không đúng với giấy tờ đăng ký.
"Nếu kẻ xấu có chủ đích làm giả giấy tờ, nhân viên giao dịch khó xác định chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có định danh điện tử, loại tội phạm này sẽ được hạn chế tối đa, do kẻ xấu sẽ không dám đưa hình ảnh của mình vào hệ thống", ông Hy nói.
eKYC ghi lại khuôn mặt "sống" và đối chiếu với hình ảnh trên giấy tờ để xác định người dùng.
Bên cạnh đó, định danh điện tử cũng giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục mà người dùng không phải đến tận ngân hàng. Ví dụ, một ngân hàng tại Việt Nam trong 6 tháng giai đoạn dịch Covid-19 đã phát triển được số lượng tài khoản tương đương 60% các thời kỳ trước, nhờ ứng dụng eKYC.
Tuy nhiên, việc triển khai định danh điện tử tại các hệ thống ngân hàng hiện nay chưa phổ biến. Các công nghệ mới cần có khung pháp lý phù hợp trước khi ứng dụng thực tế. Ông Hy cho biết Ngân hàng nhà nước đang soạn thảo sửa đổi thông tư 23, quy định về việc ứng dụng định danh điện tử trong việc mở tài khoản và có thể sẽ áp dụng trong thời gian sớm. Hiện nay, một số ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng thử nghiệm định danh điện tử trên diện rộng.
"Ngoài đời chúng ta có nhu cầu biết ai là ai, trên thế giới số cũng vậy. Định danh điện tử sẽ giống một tấm giấy thông hành để chúng ta bước vào thế giới số", ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.
Theo Tổng Giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT, eKYC sử dụng AI để cải thiện độ chính xác, nên "càng nhiều dữ liệu, độ chính xác sẽ càng cao".
Hiện, tại Việt Nam, giải pháp eKYC được phát triển bởi VNPT, FPT, VVN.
Lưu Quý/vnexpress.net
https://vnexpress.net/dinh-danh-dien-tu-se-giup-giam-lua-dao-chuyen-tien-4181138.html