TikTok vẫn hoạt động bình thường tại Mỹ sau ngày 12/11. Lệnh cấm của Trump đã bị toà án Liên bang Pennsylvania vô hiệu hóa.
Theo Reuters, bộ Thương mại Mỹ quyết định không thực thi lệnh cấm TikTok để tuân thủ phán quyết của Tòa án Liên bang Pennsylvania và chờ tiến trình pháp lý tiếp theo. Đại diện TikTok chưa đưa ra phản hồi nào về quyết định của bộ Thương mại Mỹ.
Trước đó vào ngày 14/8, Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu ByeDance thoái vốn bộ phận TikTok tại Mỹ trong 90 ngày. Sau ngày 12/11, nếu TikTok không đạt được thoả thuận nào, ứng dụng có thể bị cấm tại đây.
Một ngày trước hạn chót, ByteDane đã đệ đơn lên Toà phúc thẩm Mỹ, kêu gọi xem xét lại sắc lệnh. Công ty nói Trump dường như đã "quên" lệnh cấm. Công ty đã cung cấp các giải pháp cho chính quyền Mỹ trong gần 2 tháng, nhưng không nhận được phản hồi. Họ muốn biết tương lai của mình ra sao sau ngày 12/11.
Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc TikTok nguy hiểm đến an ninh quốc gia và yêu cầu công ty phải "bán mình" nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.
TikTok được cho là đã "với được chiếc phao cứu sinh" khi thẩm phán bang Pennsylvania quyết định chặn lệnh cấm của Trump sau khi ba người dùng TikTok nộp đơn kiện. Họ nói rằng mình có hàng triệu người theo dõi và thu về hàng nghìn USD mỗi video. Những người này có thể mất quyền tiếp cận "các cơ hội việc làm chuyên môn nhờ TikTok" nếu ứng dụng ngừng hoạt động.
Phán quyết từ bang Pennsylvania đồng nghĩa với việc TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ sau ngày 12/11. Quyết định này cũng chặn những biện pháp hạn chế bổ sung từ ngày 12/11, như việc cấm các nhà mạng và đơn vị hosting tại Mỹ cung cấp dịch vụ cho TikTok.
Bộ Tư pháp đã không đưa ra kháng cáo, Bộ Thương mại quyết định không thực thi lệnh cấm như lời ông Trump. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng Mỹ vẫn có thể sử dụng TikTok bình thường.
Trước đó, chính quyền Trump liên tục cáo buộc TikTok có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, buộc công ty mẹ thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ. ByteDance sau đó đã đồng ý bán một phần hoạt động kinh doanh trong một thỏa thuận phức tạp gồm Oracle và Walmart. Thoả thuận đã được Tổng thống Trump phê duyệt vào tháng 9 nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng ý.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao của Trung Quốc Vương Văn Bân, nói hôm 11/11: "Chúng tôi luôn phản đối việc Mỹ nghiêm trọng hoá các khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực quốc gia và đàn áp phi lý đối với các công ty nước ngoài".
Khương Nha/vnexpress.net
https://vnexpress.net/tiktok-van-duoc-hoat-dong-tai-my-4191141.html