Trung Quốc đang độc quyền những kim loại hiếm của ngành công nghệ và đang thắng thế trong cuộc đua 5G với Mỹ.
Theo tạp chí National Defense, trong khi ở Mỹ, người dân rất ít ý thức về cuộc chiến không chính thức này, nhưng tại Trung Quốc thì ngược lại. Một ngày nào đó, thuật ngữ "Chiến tranh Công nghệ" sẽ trở nên quen thuộc, giống cách người ta nói về "Chiến tranh Lạnh" sau Thế chiến II.
Trung Quốc nắm giữ thị trường đất hiếm
Mỹ dường như còn chưa nhận ra mình đã tham chiến trong lĩnh vực đất hiếm. Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã độc quyền thị trường đất hiếm - gồm các nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp toàn cầu.
Theo báo cáo của ChinaPower, tổ chức nghiên cứu về những ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, vài thập kỷ qua, Bắc Kinh tìm cách đưa ảnh hưởng của mình lên ngàng công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã dần trở thành nhà cung cấp đất hiếm trên toàn cầu, trong đó có 17 loại nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất smartphone, xe điện và nhiều công nghệ tiên tiến khác.
Trữ lượng đất hiếm toàn cầu tính đến 2019. Nguồn: CSIS.
Việc Trung Quốc độc quyền thị trường đất hiếm không được nhiều người chú ý vì giá trị của nó tương đối nhỏ. Năm 2019, giá trị nhập khẩu đất hiếm toàn cầu chỉ ở mức 1,15 tỷ USD, nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường 1 tỷ USD nhập khẩu dầu thô của thế giới. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu các hàng hóa được làm từ đất hiếm lại rất lớn. Ví dụ, một chiếc iPhone của Apple phải có Neodymium để tạo ra những nam châm nhỏ nhưng cực mạnh cho phép loa hoạt động. Một lượng nhỏ Europium được dùng để tạo ra màu đỏ trên màn hình và Xeri được dùng để đánh bóng điện thoại... Trong năm tài chính 2019, Apple đã thu về 142,4 tỷ USD từ việc bán iPhone.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã xuất khẩu 45.552 tấn đất hiếm, trị giá 398,8 triệu USD trong năm 2019. Phần lớn lượng hàng xuất khẩu này đến các cường quốc công nghệ như Nhật Bản (36%), Mỹ (33,4%), Hà Lan (9,6%), Hàn Quốc (5,4%), Italy (3,5%). Năm quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 87,8% lượng đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu ra toàn cầu.
Nếu không có những nguyên liệu hiếm được xuất khẩu từ Trung Quốc, iPhone sẽ không thể hoạt động bình thường, xe điện và nhiều thiết bị công nghiệp khác cũng thế. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã thắng Mỹ trong trận đầu của "chiến tranh công nghiệp".
Mỹ theo sau cuộc đua 5G
Tiếp đến là "chiến trường 5G". Tính đến đầu tháng 11 năm nay, Trung Quốc đã xây xong gần 700.000 trạm gốc 5G, gấp đôi số trạm của các nước trên thế giới cộng lại. Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc còn phổ thông hóa các thiết bị đầu cuối, đảm bảo người dùng cơ bản có thể kết nối ngay với 5G bằng những thiết bị giá rẻ.
Trong báo cáo "5G Moment of Truth", The New Centre nhận định: "Mặc dù kết nối tốc độ cao ngày càng trở nên quan trọng, Mỹ - quốc gia từng thúc đẩy thế giới triển khai rất nhiều công nghệ - đang tụt lại phía sau trong cuộc đua 5G. Trung Quốc đang chạy nước rút để có thể cán đích trước".
Khi người Trung Quốc có thể dùng 5G trên đỉnh núi cao nhất thế giới, bên kia bờ Đại Tây Dương, nhiều người Mỹ vẫn còn tin vào thuyết âm mưu cho rằng các trụ phát sóng 5G là nguyên nhân gây ra virus corona. Đó là bức tranh tương phản miêu tả sống động nhất về cuộc đua 5G giữa hai quốc gia.
Để hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên ngành công nghệ toàn cầu, đặc biệt là thị trường viễn thông. Mỹ đã ra sức cấm vận Huawei, công ty công nghệ đang triển khai nhiều giải pháp 5G trên toàn thế giới. Cấm vận của Nhà Trắng ảnh hưởng không nhỏ đến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn bức tranh toàn cảnh, Bắc Kinh có vẻ đã dẫn trước trong cuộc đua này.
Theo các chuyên gia công nghệ, vẫn còn quá sớm để kết luận ai là người thắng. Cả Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc để làm trước khi cuộc chiến ngã ngũ. Mỹ có thể giành được lợi thế khi chính phủ liên bang đầu tư 100 tỷ USD vào R&D. Con số này nghe có vẻ khá lớn, nhưng nếu so với dự báo kinh tế về việc 5G có thể đóng góp thêm 2,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong 15 năm tới, 100 tỷ USD này là hoàn toàn xứng đáng.
Báo cáo về "5G và Bảo mật" của Trung tâm Wilson cho rằng còn nhiều điều phải lo lắng hơn Huawei. 5G là nền tảng cốt lõi mà các xã hội hiện đại, nền kinh tế và quân đội đều cần. Điều quan trọng là các ngành cạnh tranh và tạo ra giá trị như thế nào, ví dụ: Cách mọi người tương tác cũng như cách quân đội theo đuổi các mục tiêu an ninh cho người dân.
Báo cáo của Trung tâm Wilson cũng chỉ ra rằng không quan trọng là ai sẽ triển khai 5G cho Mỹ. Quan trọng là nếu không có những nguyên liệu hiếm mà Trung Quốc đang độc quyền, những công nghệ này sẽ không hoạt động.
Ngoài đất hiếm, 5G, Chiến tranh Công nghệ còn có một số mặt trận khác, như hàng không, vũ trị, công nghệ sinh học, khoa học lượng tử, robot, AI...
Lợi thế của Trung Quốc đến từ nguồn vốn của chính phủ cho phép triển khai, thử nghiệm nhiều công nghệ mới. Dân số đông, quy luật lỏng lẻo cũng là thế mạnh nhất định cho các công ty công nghệ nước này.
Mỹ nếu muốn giành vị thế thì phải chấm dứt sự độc quyền của Trung Quốc trên thị trường nguyên liệu hiếm. Ngoài ra, những ảnh hưởng của dịch bệnh, cách đối phó với Covid-19 cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đà phục hồi của các quốc gia.
Khương Nha/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/trung-quoc-vuot-my-trong-cuoc-chien-cong-nghe-chua-hoi-ket-4193494.html