Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 24/11 cho biết đã bác đơn yêu cầu xem xét lại quyết định "đe dọa an ninh quốc gia" của ZTE.
Trong một tuyên bố qua email, Chủ tịch FCC Ajit Pai gọi việc từ chối yêu cầu của ZTE là "một bước quan trọng khác trong nỗ lực bảo vệ Mỹ khỏi các rủi ro bảo mật".
Ông Pai không đề cập đến Huawei. Theo Bloomberg, công ty Trung Quốc được cho là đã đưa ra yêu cầu riêng cho FCC, đồng thời nộp số tài liệu hơn 5.000 trang để chứng minh mình vô tội. FCC cho biết sẽ phản hồi hãng này vào 11/12 tới với lý do "để xem xét đầy đủ lượng hồ sơ khổng lồ".
Huawei và ZTE đang nằm trong "danh sách đen" của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Động thái của FCC được cho là nhằm ngăn cản Huawei, ZTE tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống mạng và hưởng ưu đãi nguồn quỹ 8,3 tỷ USD từ chính phủ Mỹ. Năm ngoái, cơ quan quản lý viễn thông Mỹ đã bỏ phiếu yêu cầu các nhà mạng nông thôn bỏ và thay thế thiết bị của Huawei và ZTE. Nhà Trắng cũng ra sắc lệnh cấm các công ty Mỹ được khai thác nguồn quỹ trên không được mua thiết bị từ Huawei và ZTE.
"Giờ đây, điều quan trọng hơn hết là Quốc hội phải tài trợ để các mạng lưới viễn thông được bảo vệ khỏi các nhà cung cấp đe dọa an ninh quốc gia", Pai nói.
FCC xác định có hơn 50 công ty viễn thông sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ của ZTE, Huawei. Ngoài một số tên tuổi lớn, như CenturyLink và Verizon, còn lại là những công ty có quy mô nhỏ. Ước tính, chi phí trung bình cho một công ty thay thế thiết bị mạng của Huawei và ZTE bằng thiết bị khác có thể tới 40 - 45 triệu USD.
Tuần trước, ông Pai cho biết Ủy ban sẽ giải quyết hai vấn đề an ninh quốc gia chưa xác định tại cuộc họp ngày 10/12. Theo Reuters, những vấn đề này có thể liên quan đến ZTE, Huawei và các nhà mạng Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.
Ngày 30/6, FCC đã liệt ZTE và Huawei vào mối đe dọa an ninh quốc gia. Cả hai lập tức phủ nhận, đồng thời yêu cầu xem xét lại quyết định này. ZTE khẳng định thiết bị mà họ cung cấp luôn an toàn, cũng như đảm bảo tính "rõ ràng và hoàn toàn tận tâm trong việc tuân thủ tất cả các điều luật hiện hành ở Mỹ".
Hồi tháng 4, FCC nói rằng có thể cấm ba công ty viễn thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, gồm China Telecom, China Unicom và Pacific Networks. Những công ty này đã được Mỹ ủy quyền để cung cấp dịch vụ kết nối cho các cuộc gọi điện thoại giữa nước này và các quốc gia khác.
Ngoài ra, hồi tháng 6/2019, FCC đã bỏ phiếu nhất trí từ chối quyền cung cấp dịch vụ của Mỹ cho China Mobile với lý do lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng nhà mạng này để thực hiện hoạt động gián điệp chống lại chính phủ Mỹ.
Bảo Lâm/vnexpress.net
https://vnexpress.net/my-van-xem-zte-la-moi-de-doa-an-ninh-quoc-gia-4196725.html