Thay vì mặc áo vest trang trọng, Ben Lamm bước vào Lầu Năm Góc với chiếc khăn in hình đầu lâu và bước ra với hợp đồng trị giá 3 triệu USD.
Thay vì mặc áo vest trang trọng, Ben Lamm bước vào Lầu Năm Góc với chiếc khăn in hình đầu lâu và bước ra với hợp đồng trị giá 3 triệu USD.
Lamm quàng một chiếc khăn với họa tiết đầu lâu tới Lầu Năm Góc. Ảnh: HyperGiant.
Có ngoại hình như một ngôi sao Rock 'n' Roll, nhưng Ben Lamm, doanh nhân 39 tuổi người Texas, đã thành lập bốn công ty về công nghệ và đang phát triển công ty startup thứ năm với tên gọi Hypergiant. Mục tiêu của nó là "đặt cược vào tương lai", với các tham vọng như phát triển mạng lưới lò phản ứng sinh học tảo thông minh không phát khí thải CO2, mũ bảo hiểm AR hiển thị nội dung ngay trên bề mặt kính, hay Internet kết nối xuyên thiên hà.
Lamm không phải là người duy nhất mong muốn đạt được điều này. Tuy nhiên, ông không phải là cái tên quen thuộc với nhiều người và cũng không sở hữu tài sản khổng lồ như Elon Musk. Việc gọi vốn cho những dự án mơ hồ như thế rất khó khăn, nhưng Lamm tin Hypergiant có thể làm được. Theo ông, chìa khóa cho những dự án mang tính tương lai chính là biết cách phân tách mô hình kinh doanh giữa hiện tại và tương lai, giữa những dịch vụ mọi người sẵn sàng trả tiền hôm nay và những ý tưởng đáng để đầu tư cho ngày mai.
Sau hai năm rưỡi hoạt động, Hypergiant gặt hái một số kết quả kinh doanh tích cực. Các dịch vụ và phần mềm dựa trên AI của hãng mang lại hàng chục triệu USD doanh thu cho khách hàng như GE Power, Shell hay TGI Fridays.
"Gần đây tôi gặp một trong những nhà đầu tư mà tôi rất hâm mộ, ông ấy cho rằng Hypergiant đang theo đuổi vào công nghệ của ba năm nữa, và muốn chúng tôi nên tập trung vào ngày hôm nay. Đúng là ta đang sống ở hiện tại, nhưng một ngày nào đó, tất cả sẽ thức dậy và ba năm đã trôi qua. Trừ khi Trái đất bị va chạm bởi một thiên thạch nào đó, tương lai chắc chắn sẽ diễn ra. Nếu chỉ tập trung vào hôm nay, chúng ta sẽ không làm cho ngày mai tốt hơn. Chúng ta phải làm cả hai", Lamm nói.
Đó là cách Lamm bước vào Lầu Năm Góc với với trang phục dị thường và ký được hợp đồng trị hàng triệu USD để bắt đầu phát triển dự án chùm vệ tinh thế hệ tiếp theo.
Hypergiant có thể là một công ty được xây dựng cho tương lai, nhưng là sản phẩm được tạo nên từ quá khứ của Lamm.
Là con một trong gia đình có cha mẹ ly hôn, Lamm khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa. Lớn lên ở Texas với mẹ là một giáo viên, nhưng ông trải qua hầu hết thời gian mùa hè với cha mình, một doanh nhân quốc tế. Năm 9 tuổi, Lamm đã đi tới 52 quốc gia.
"Khi tôi là sinh viên năm thứ hai ngành Tài chính kế toán tại Đại học Baylor, giáo sư của chúng tôi thường cho xem một loạt màn hình toàn số liệu thống kê, và tôi phát ngán với kiểu trình bày khô khan đó. Tôi muốn thứ gì đó sôi động như buổi biểu diễn của ban nhạc Kiss", ông kể.
Sau đó, ông tạo ra công ty khởi nghiệp có tên Simply Interactive với phần mềm biến nội dung tĩnh thành hình ảnh động và đồ họa cho các công ty như Dell và Rand.
Năm 2010, ông bán Simply Interactive và đồng sáng lập studio ứng dụng di động Chaotic Moon. Công ty có một nhóm chuyên gia chuyên theo đuổi các dự án kỳ lạ, vui nhộn mà không cần quan tâm đến cách chúng được kiếm tiền như thế nào. Chaotic Moon nhanh chóng tạo sức hút trên thị trường đồ họa với nhiều khách hàng lớn như Disney, Marvel hay Discovery Channel.
Tới 2015, ông bán lại Chaotic Moon cho Accenture và gia nhập công ty này để điều hành nhóm của mình. Ông xung đột với các quyết định của ban lãnh đạo và bị sa thải chỉ sáu tháng sau đó. Sarah Grant, trợ lý của Lamm khi đó và hiện là Giám đốc nhân sự tại Hypergiant, cho biết: "Ông ấy bị sa thải khỏi chính nhóm mình thành lập. Nhưng thật tốt khi nó xảy ra và thúc đẩy ông ấy làm điều gì đó lớn lao hơn".
Sau khi rời Accenture, Lamm tập trung vào các dự án kinh doanh khác, trong đó có công ty trò chơi Team Chaos do ông đồng sáng lập. Team Chaos tập trung phát triển những game thú vị, nguyên bản mà mọi người có thể dễ dàng chơi trên nhiều nền tảng khác nhau. Năm 2016, Team Chaos được Zynga mua lại.
Mảnh ghép cuối cùng xuất hiện khi Lamm phát hiện tiềm năng thị trường của AI, và đồng sáng lập Conversable, công ty chuyên cung cấp dịch vụ chatbot. Ông đã nghiên cứu thị trường rộng lớn của AI và nhận thấy cơ hội làm nên một thứ gì đó đầy tham vọng. "Hầu hết các công ty công nghệ hiện nay chỉ ăn cắp dữ liệu của mọi người và bán nó cho bất kỳ ai trả giá cao. Vì vậy, tôi đã nhìn thấy cơ hội để xây dựng một công ty công nghệ tốt. Tôi muốn tạo ra tương lai và muốn làm điều đó ngay hôm nay", ông nói
Theo CNBC, tổng cộng Ben Lamm đã kiếm được 200 triệu USD từ bốn thương vụ đầu tiên của mình.
Năm 2018, ông bán Conversable cho LivePerson và tiếp tục lập ra Hypergiant. Ông nhắm thẳng vào thị trường mới nổi và khổng lồ - trí tuệ nhân tạo. Công ty phần nào gợi lại ý tưởng về "phòng thí nghiệm" của các dự án ở Chaotic Moon, nhưng các dự án của Hypergiant là những thứ có tiềm năng thay đổi ngành công nghệ.
Một vệ tinh Chameleon được HyperGiant phát triển cùng Không quân Mỹ. Ảnh: HyperGiant.
Một số tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thể hiện tham vọng qua các dự án lớn, rủi ro và gần như bất khả thi. Chẳng hạn, Elon Musk tuyên bố sẽ dùng cổ phiếu Tesla của mình để thực hiện hóa kế hoạch khai thác thuộc địa trên Sao Hỏa. Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Group, đang phát triển du lịch vũ trụ nhờ vào doanh thu từ hàng chục hãng hàng không. Dựa vào doanh thu của Google, Alphabet đầu tư vào các dự án như tìm ra bí quyết kéo dài tuổi thọ hay giao hàng bằng drone. Trong các ví dụ kể trên, một công ty "tiêu chuẩn" sẽ làm nhiệm vụ tạo doanh thu để giúp công ty đó duy trì và nghiên cứu các ý tưởng khác thường.
Lamm đang đi theo mô hình này. Hypergiant kiếm tiền nhờ phần mềm và dịch vụ AI dành cho doanh nghiệp, như nền tảng giúp GE Power quản lý 1.000 bot hay "nhân viên pha chế" AI chuyên pha cocktail cho cửa hàng TGI Fridays. Ông cũng khuyến khích công ty phản ứng nhanh khi thế giới thay đổi. Khi đại dịch xảy ra, Hypergiant phát minh ra một robot tên Jenna, sử dụng ánh sáng UVC để khử trùng các phòng trong vài phút.
Từ đó, Hypergiant tạo dựng nền tảng về công nghệ và tài chính để nhắm đến các dự án "điên rồ" cho tương lai. Công ty có bộ phận phát triển nền tảng giữa con người và AI, bộ phận về công nghiệp vũ trụ và cả một bộ phận nghiên cứu công nghệ chuyên về không gian.
Ben Lamm và nguyên mẫu lò phản ứng sinh học dùng tảo làm nhiên liệu. Ảnh: HyperGiant.
Ngoài ra, ông cũng đầu tư trực tiếp vào 25 công ty khởi nghiệp với mong muốn thúc đẩy thế hệ đổi mới khoa học tiếp theo, trải dài từ công nghệ gien, robot, trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ xanh, kỹ thuật y sinh và khoa học đại dương.
Đầu năm nay, Lamm bị chẩn đoán mắc phải một loại virus ở tim. Kết hợp với làn sóng lây lan của Covid-19, ông phải hạn chế đi lại và tham gia các cuộc họp trực tiếp. Mắc kẹt tại nhà ở Dallas, ông vẫn làm việc trước máy tính, quản lý khách hàng, tương tác với nhà đầu tư và hơn 200 nhóm nhân viên từ xa.
Là một doanh nhân và một nhà công nghệ, ông luôn sống cho ngày mai. Điều đó khiến ông khó bằng lòng với hiện tại. "Đó là một khao khát thúc đẩy xã hội tiến tới ngày mai. Đôi khi tôi cảm thấy như một gánh nặng, nhưng là một gánh nặng đẹp đẽ. Tôi có nhiều khuyết điểm trong tính cách. Nhưng tôi nghĩ tôi cũng có một số kỹ năng có thể mang lại giá trị cho người khác, cho doanh nghiệp, xã hội và hy vọng là cả thế giới. Tôi nghĩ sẽ thật phí nếu không sử dụng chúng", ông nói.
Đăng Thiên/vnexpress.net
https://vnexpress.net/di-nhan-tham-vong-thay-doi-the-gioi-bang-ai-4204036.html