Siêu ứng dụng đang nở rộ ở Việt Nam, các nhà phát triển đang trong cuộc đua "đốt tiền" để thay đổi thói quen người dùng và giành thị trường.
Trung Quốc đã bỏ qua hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiến thẳng lên mô hình thanh toán điện tử bằng các ứng dụng, như WeChat, Alipay. Người dùng không chỉ thanh toán, trò chuyện, mua sắm, tìm kiếm thông tin mà còn có thể đặt lịch thăm khám sức khoẻ, mua vé máy bay... Những thứ tương tự WeChat, Alipay được gọi bằng một thuật ngữ chung: "Siêu ứng dụng".
Thuật ngữ siêu ứng dụng (super app) chỉ nền tảng tất cả trong một (all-in-one app). Những ứng dụng này thường được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính... Người dùng có thể trải nghiệm một lúc nhiều tiện ích khác nhau trên cùng một ứng dụng, một tài khoản thanh toán.
Cuộc đua siêu ứng dụng ở Việt Nam đang nóng lên từng ngày với sự tham gia của nhiều đại diện trong và ngoài nước.
Siêu ứng dụng nở rộ
Từ "quê nhà" Trung Quốc, siêu ứng dụng lan rộng ra các nước lân cận, trong có Việt Nam. Vài năm trở lại đây, cuộc đua siêu ứng dụng trở nên hấp dẫn hơn, tạo nên một xu hướng mới với sự tham gia của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước, như Zalo, MoMo, Shopee, VinID, Grab...
Con đường phát triển các siêu ứng dụng ở Việt Nam tương tự nhiều quốc gia trên thế giới. Các ứng dụng thường bắt đầu từ một vài dịch vụ cơ bản, như gọi xe (Grab), ví điện tử (MoMo), nhắn tin (Zalo) hay mua sắm (VinID)...
Sau khi có được lượng khách hàng nhất định, các ứng bắt đầu tích hợp thêm nhiều tính năng từ thanh toán, giao nhận, nhắn tin, mạng xã hội, đến các dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử...
Grab là một trong những siêu ứng dụng phổ biến nhất Việt Nam với đa dạng dịch vụ, từ giao nhận đến vận tải, thanh toán trực tuyến, mua sắm, đặt phòng khách sạn, vé tham quan, du lịch. Sau khi sáp nhập với Uber, mua lại trung gian thanh toán Moca, Grab từ một ứng dụng gọi xe đã phát triển, định hình thành siêu ứng dụng với tốc độ phát triển ấn tượng.
VinID khởi đầu từ một ứng dụng mua sắm trong siêu thị dần mở rộng thêm nhiều tiện ích như giải trí, nạp tiền dịch vụ, kết nối cộng đồng... Trong tương lai, VinID có thể thêm tính năng mua bán bất động sản online. Thành công của VinID kéo theo một số siêu ứng dụng khác đang hình thành ở mức sơ khai, như Cenhomes, House Maps... Những siêu ứng dụng bất động sản có thể tích hợp nhiều tính năng như mua bán, cho thuê, tư vấn dự án, cho vay tiêu dùng, gọi xe, du lịch, giáo dục, y tế, mua sắm...
MoMo ví điện tử có 20 triệu khách hàng cũng đang trên đường trở thành siêu ứng dụng bằng việc mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, bán lẻ, mua sắm, thương mại điện tử, ăn uống vui chơi, giải trí cho đến thanh toán các dịch vụ công, giáo dục, y tế... Có thể nói MoMo là một trong những ví điện tử đa dạng thanh toán nhất Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam, con đường tiến đến siêu ứng dụng chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất xây dựng một hệ sinh thái rồi tích hợp với nền tảng thanh toán của mình, như Grab, VinID. Điểm mạnh của nhóm này là có lượng người dùng thường xuyên lớn, dễ dàng liên kết các dịch vụ trong cùng một hệ sinh thái. Hạn chế là nền tảng thanh toán chỉ giới hạn trong các ứng dụng của hệ sinh thái. Do đó, các siêu ứng dụng này đang không ngừng mở rộng các dịch vụ của mình.
Nhóm siêu ứng dụng thứ hai đi lên từ một ứng dụng thanh toán, cùng lúc tìm kiếm khách hàng và mở rộng các dịch vụ của mình. Nhóm này có các đại diện như MoMo, VNPay, Payoo. Điểm yếu của các ứng dụng này là không có hệ sinh thái hoàn chỉnh, nhất quán. Đổi lại, họ phải không ngừng tìm kiếm đối tác, chấp nhận nền tảng thanh toán của mình để mở rộng tiện ích cho người dùng.
Cuộc chơi "đốt tiền"
Sau bước ra mắt, các siêu ứng dụng ở Việt Nam bước vào cuộc chơi "đốt tiền" để thu hút người dùng, chiếm lĩnh thị phần, hướng đến bình định thị trường. Dựa trên nền tảng lợi thế của mình, mỗi ứng dụng sẽ có một cách thu hút người dùng khác nhau, chiến lược của họ cũng trải dài trong nhiều năm chứ không phải cuộc đua ngày một ngày hai.
Những siêu ứng dụng khởi đầu bằng vận chuyển có thường áp dụng các mã khuyến mãi, tặng thưởng cho khách hàng và đối tác - các tài xế. Các ứng dụng có lợi thế về thanh toán sẽ hoàn tiền cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ... Đây được xem là cuộc chơi tốn kém, kéo dài, không dành cho những những "tay chơi" ít tiền, sợ rủi ro.
Để đánh giá tiềm năng của các siêu ứng dụng trong cuộc đua này, có thể xem xét trên ba khía cạnh: nguồn đầu tư, chiến lược tiêu tiền và khả năng phát triển hệ sinh thái.
Siêu ứng dụng giúp các quốc gia châu Á rút ngắn được khoảng cách trong kỷ nguyên Internet. Ảnh: Giang Nguyen Anh Linh.
Trước khi ổn định thị trường với hai siêu ứng dụng WeChat và AliPay, Trung Quốc cũng từng có rất nhiều siêu ứng dụng. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, những ứng dụng không đủ tiềm lực về tài chính, công nghệ, định hướng sẽ bị loại bỏ. Việt Nam vẫn chưa có một siêu ứng dụng đúng nghĩa. Điều này đồng nghĩa cơ hội vẫn còn cho tất cả.
Theo giáo sư Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS (Singapore): "Rất khó để kiếm được lợi nhuận tốt từ mảng gọi xe, nhưng nó tạo ra các giao dịch tần suất cao. Trong khi đó, giao đồ ăn có triển vọng tốt về lợi nhuận và sự kết hợp cả hai tạo tiền đề tốt cho dịch vụ thanh toán".
Như vậy, trong giai đoạn chạy đua, lợi nhuận không phải ưu tiên hàng đầu của các siêu ứng dụng. Đây là lúc họ phải chứng minh cho khách thấy sự cần thiết của mình trong cuộc sống hàng ngày. Dữ liệu người dùng là mục tiêu tiếp theo các siêu ứng dụng cần có nếu muốn "sống sót". Có càng nhiều người dùng, dữ liệu càng lớn, dư địa phát triển càng cao.
Tương lai
Về vĩ mô, ba tác động lớn nhất có thể nhìn thấy từ cuộc đua siêu ứng dụng là: Thay đổi thói quen người dùng; Thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt; Thu hẹp khoảng cách trong các giai đoạn phát triển Internet.
Về mặt tích cực, các siêu ứng dụng sẽ giúp người dùng có một cuộc sống tiện nghi hơn, tất cả nhu cầu đời thường sẽ được phục vụ một cách thuận tiện nhất chỉ với vài cú chạm tay trên màn hình điện thoại. Khi các siêu ứng dụng bước vào cuộc đua đốt tiền, người dùng cũng được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá...
Để giữ chân khách hàng, các siêu ứng dụng sẽ không ngừng thay đổi, nâng cấp hạ tầng, mở rộng tiện ích. Càng nhiều khách hàng trung thành trong hệ sinh thái, các siêu ứng dụng càng có nhiều lợi thế cạnh tranh. Siêu ứng dụng không chỉ thay đổi thói quen người dùng mà còn tác động đến các mô hình kinh doanh truyền thống, thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Tuy nhiên, siêu ứng dụng cũng tồn tại không ít rủi ro. Sau khi cuộc đua "đốt tiền" kết thúc, các siêu ứng dụng lớn còn lại sẽ bình định thị trường và chiếm ưu thế. Những ứng dụng mới nở sẽ không thể cạnh tranh. Một vấn đề nữa của siêu ứng dụng là dữ liệu người dùng. Khi không còn cạnh tranh, người dùng có thể rơi vào thế bị động. Đời sống của họ gắn liền với siêu ứng dụng cũng có nghĩa là những thói quen sinh hoạt, dữ liệu cá nhân bị thu thập và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Đây là rủi ro chung trong thời đại Internet.
Nhìn về tương lai, ứng dụng nào giải quyết được càng nhiều nhu cầu cơ bản của người dùng thì càng có lợi thế. Cơ sở dữ liệu người dùng lớn khẳng định giá trị và chỗ đứng của mình trên thị trường. Xu hướng dùng AI, kết hợp BigData sẽ là chìa khoá để các ứng dụng nắm bắt được nhu cầu, phục vụ tốt hơn cho trải nghiệm người dùng. Sau tiện lợi, bảo mật sẽ là vấn đề được người dùng quan tâm.
Chương trình Bình chọn Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc - Tech Awards năm nay của VnExpress có một hạng mục về siêu ứng dụng. Ba sản phẩm lọt vào vòng chung kết là đại diện của 3 hướng đi trong thị trường siêu ứng dụng ở Việt Nam: MoMo - siêu ứng dụng phát triển từ ví điện tử; VinID - phát triển từ một ứng dụng mua sắm trong siêu thị và Shopee - bắt nguồn từ ứng dụng thương mại điện tử. Bình chọn cho các ứng dụng này tại đây.
Khương Nha/vnexpress.net
https://vnexpress.net/cuoc-dua-sieu-ung-dung-o-viet-nam-4208521.html