Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia đang tích hợp thêm nhiều loại hình, đơn vị thanh toán điện tử
Dịch vụ công thứ 2.700 đã được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) ngày 30-12-2020 ngay trong sự kiện Chính phủ Việt Nam sơ kết 1 năm vận hành cửa ngõ tập trung trực tuyến cung cấp các dịch vụ công trên quy mô toàn quốc. Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mới nhất này là "kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu", giúp người dân có thể kê khai nộp lệ phí trước bạ ở bất cứ đâu, chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm và lấy biển số.
Người dân hài lòng, công việc thông suốt
Cổng DVCQG của Việt Nam được xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong việc cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính.
Công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước nhằm xây dựng một chính phủ hoạt động trên nền tảng số (gọi là chính phủ số) sẽ không thể mở ra tới đối tượng chính là người dân nếu không có nơi cung cấp các DVCTT. Cổng quốc gia này không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ, giúp người dân làm các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên nền tảng online mà còn là nơi để thực hiện sự tương tác giữa người dân và nhà nước. Chính phủ cũng xác định Cổng DVCQG là "địa chỉ kết nối, cung cấp thông tin về TTHC và DVCTT; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, DVCTT và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc". Trước đây, trong nỗ lực cải cách hành chính, nhà nước áp dụng hình thức "một cửa, một dấu" đối với các dịch vụ công. Còn bây giờ, Cổng DVCQG là "một cửa duy nhất" trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, DN và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện DVCTT.
Phải nhìn nhận chính nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên từ Chính phủ, đặc biệt là giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và bộ - ngành, Cổng DVCQG đã được phát triển với tốc độ nhanh và đạt hiệu quả cao. Từ 8 dịch vụ công vào lúc khai trương (tháng 12-2019), ngày 19-8-2020, cổng DVCQG đã tích hợp dịch vụ công thứ 1.000. Đó là dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ôtô trực tuyến. Chỉ hơn 4 tháng sau, Cổng DVCQG đã có thêm 1.700 dịch vụ công nữa. Sau 1 năm vận hành đầu tiên, Cổng DVCQG đã cung cấp gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỉ lệ 39%, vượt 9% so với chỉ tiêu Chính phủ giao). Cổng DVCQG đã có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi, hơn 9.600 phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định hành chính. Và theo tính toán, chi phí xã hội đã tiết kiệm được sau 1 năm thực hiện DVCTT trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỉ đồng/năm (nếu tính luôn 4 dịch vụ công mới được tích hợp vào cuối năm 2020, tổng số tiền tiết kiệm được lên đến gần 8.000 tỉ đồng). Nhưng điều quan trọng là tạo được sự hài lòng từ người dân cùng với sự hiệu quả thông suốt của công tác quản lý nhà nước.
Người dân làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Ngăn "tham nhũng vặt"
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết xây dựng Cổng DVCQG là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công. Mục tiêu tiếp theo của Cổng DVCQG là tiếp tục đưa các dịch vụ công cấp độ 3, 4 tới người dân và DN thể hiện sự công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí chính thức, phi chính thức và ngăn chặn "tham nhũng vặt" theo đúng tinh thần phục vụ của Chính phủ.
Cụ thể là trong năm 2021 sẽ tích hợp, cung cấp thêm tối thiểu 20% DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên cổng, phấn đấu đạt 30% số xã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử làm cơ sở số hóa hồ sơ; tất cả bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ hồ sơ TTHC. Một trong những yêu cầu quan trọng giúp cho việc thực hiện các DVCTT, đặc biệt là ở mức độ 4, được trọn vẹn là thanh toán trực tuyến. Văn phòng Chính phủ cũng đã đưa ra một nhiệm vụ về xây dựng Cổng DVCQG trong năm 2021 là tất cả bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc tích hợp và triển khai cung cấp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí với ít nhất 50% số TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG đang tích hợp thêm nhiều loại hình, đơn vị thanh toán điện tử như tài khoản, thẻ ATM, ví điện tử, ứng dụng di động..., tạo thuận tiện cho người dân, DN thanh toán cho các DVCTT. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ vào cuối năm 2020, sau hơn 9 tháng triển khai, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG hiện đã có 54/63 địa phương (85,6%), 14 bộ, ngành, cơ quan (67,7%) hoàn thành kết nối và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác.
Chính việc kết hợp với nhau một cách nhịp nhàng, suôn sẻ thành một nền tảng giữa Cổng DVCQG với các cổng DVCTT của các ngành và các địa phương sẽ phát huy tối đa hiệu quả của Chính phủ số. Việt Nam đã bắt đầu xây dựng Chính phủ điện tử từ đầu những năm 2000 nhưng chỉ đạt kết quả khiêm tốn. Chỉ vài năm sau này, khi Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi số trước tình hình thực tiễn với ý chí chính trị được cụ thể hóa ngay từ thượng tầng kiến trúc, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng hơn. Và có thể nói rằng trong năm 2020, khi cả Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp hay tới chỗ đông người, các DVCTT đã giúp cho cả bộ máy hành chính lẫn người dân khỏi bị động.
Phạm Hồng Phước /nld.com.vn
https://nld.com.vn/cong-nghe/truc-tuyen-hoa-nguoi-dan-va-nha-nuoc-deu-loi-20210112220748889.htm