Xiaogu, một thợ đào Bitcoin ở Trung Quốc, kể lại "cú sốc" khi giá tiền ảo chạm đáy rồi bất ngờ tăng vọt gấp 8 lần.
Ngày 11/1, giá Bitcoin dao động khoảng 34.000 USD, cao gấp 8 lần mức 3.800 trong đại dịch - hồi tháng 3/2020. Giới đầu tư sống trong nhiều cảm xúc lẫn lộn: vui mừng, bối rối và lo lắng.
"Mùa xuân" ở những mỏ đào Bitcoin
"Đầu 2019, tôi mua 50 máy đào Bitcoin, mỗi bộ giá 10.000 nhân dân tệ (35 triệu đồng). Dàn máy đặt tại một khu mỏ ở Tứ Xuyên, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7. Thời điểm này, Bitcoin đang trên đà phục hồi sau khi chạm đáy vào năm 2018, giá thị trường khi đó khoảng 10.000 USD", Xiaogu, một thợ đào Bitcoin, kể với China Business News.
Các "mỏ" đào Bitcoin ở Trung Quốc thường được đặt ở vùng núi lạnh hoặc gần các trạm thuỷ điện nhỏ. Ảnh: Coininfo.
Khi Xiaogu bước chân vào nghề, Tứ Xuyên được xem là thiên đường của các mỏ đảo Bitcoin nhờ giá điện rẻ. Hầu hết mỏ đào Bitcoin được xây dựng trong các trạm thuỷ điện. Dân trong ngành ước tính, cứ 100 Bitcoin mới, có 5 đồng được đào ở Tứ Xuyên. Hai năm trước, dàn 50 máy có thể mang về cho Xiaogu hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền lời mỗi tháng. "Các thợ mỏ không quá quan tâm về biến động giá, chỉ cần tiếp tục khai thác là có lời. Điều đáng lo duy nhất là mất điện", Xiaogu nói.
Vào khoảng tháng 5, Tứ Xuyên bước vào mùa mưa. Với các thợ đào, đây là cơ hội hiếm có vì nguồn điện ổn định. Nhưng khi mùa khô đến, thuỷ điện cạn nước, mỏ đào có thể mất điện đến 10 ngày. Mỗi lần mất điện và khởi động lại dàn máy là thời khắc đau khổ của thợ đào. Nhưng bất chấp những khó khăn đó, Bitcoin vẫn đem về những khoản lời khổng lồ. "Không sợ Bitcoin rớt giá, mất điện. Còn đào là còn tiền", Xiaogu nhắc lại.
Covid-19 và những cú sốc
Sẽ không có gì để nói nếu tháng 3/2020, Covid-19 không càn quét khắp thế giới và gây ra cú sốc lớn trên thị trường tài chính. Giới đầu tư bắt đầu bán tháo Bitcoin, đổi lấy USD, vàng. Bitcoin bị "vứt bỏ". Tối ngày 12/3/2020, giá Bitcoin giảm gần 50%, từ 10.000 USD xuống 3.800 USD. Một số người còn cho rằng Bitcoin sẽ quay về vạch xuất phát với giá trị bằng không.
"Những ngày tháng 3, tôi hoàn toàn suy sụp, tài sản bốc hơi mất 2/3", Xiaogu nhớ lại thời khắc đen tối của cuộc đời. Thợ đào phải ký thoả thuận với đơn vị vận hành mỏ là giá thế nào cũng vẫn phải đào. Không chỉ thua lỗ vì tiền ảo giảm giá, mỗi tháng anh phải trả hoá đơn tiền điện lên đến 60.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng). "Thời điểm tồi tệ nhất, tiền trong thẻ ngân hàng của tôi chỉ còn 18 nghìn nhân dân tệ (2,8 nghìn USD)", Xiaogu nhớ lại.
Cuộc sống bên trong một mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc. Video: Bloomberg.
Dưới áp lực tài chính, Xiaogu đành bán rẻ một ít Bitcoin đào được với giá 3.800 USD. Lúc này là tháng 3/2020. Tiền ảo chạm đáy nhưng anh không còn lựa chọn nào khác. Đến giờ, anh vẫn lưu lại ảnh chụp màn hình về thời khắc thị trường sụp đổ lúc bấy giờ.
Vài tháng sau, tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sau khi trừ hoá đơn tiền điện, mỗi tháng 50 máy đào Bitcoin mang về cho Xiaogu hơn 100.000 nhân dân tệ (356 triệu đồng). Những ngày tháng sau đó, giá Bitcoin không ngừng lập đỉnh.
"Bong bóng" Bitcoin và đà tăng giảm điên cuồng
Sau nhiều thời gian tìm hiểu, các nhà phân tích đã tìm ra quy luật vòng lặp của giá Bitcoin. Hai thời điểm đáng chú ý nhất là giữa tháng 10/2020 khi giá Bitcoin chạm mốc 10.000 USD. Tiếp đến là giữa tháng 12, Bitcoin cán mốc 20.000 USD và tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới.
Khi Bitcoin cán mức 10.000 USD, các tổ chức, giới đầu tư lớn bắt đầu tham gia vào thị trường. Ví dụ, ngày 8/10, gã khổng lồ thanh toán di động Square bất ngờ công bố khoản đầu tư 50 triệu USD vào Bitcoin. 5 ngày sau đó, công ty quản lý tài sản Stone Ridge Holdings giá trị 10 tỷ USD tiết lộ về thương vụ mua lại hơn 10.000 Bitcoin, trị giá khoảng 114 triệu USD. Ngày 22/10, nền tảng thanh toán xuyên biên giới lớn nhất thế giới - PayPal - cho phép người dùng mua, bán và nắm giữ tiền điện tử trên nền tảng này. 5 ngày sau, DBS - ngân hàng thương mại lớn nhất Singapore - thông báo rằng họ sẽ cung cấp các giao dịch tiền kỹ thuật số được mã hóa.
Xiaogu, người từng trải qua nhiều đổ vỡ của thị trường tiền ảo, đã thận trọng hơn nhiều. Anh bán Bitcoin ở hai lần đạt đỉnh đáng chú ý. Một lần giá 14.000 USD và lần sau là 27.000 USD.
Lúc này, các thợ mỏ có hai lựa chọn về phương thức quyết toán lợi nhuận hàng tháng. Một là quyết toán trực tiếp bằng tiền mặt sau khi từ đi tiền điện định kỳ. Hai là nhận xu và tự mình thanh toán tiền điện, có thể giữ lại Bitcoin và bán khi nào muốn. Đương nhiên, Xiaogu chọn phương án đầu tiên vì không muốn bị sốc với đà tăng giảm điên cuồng của đồng tiền ảo này.
Đến giờ, cả thế giới tiền tệ vẫn đau đầu khi "bong bóng" Bitcoin ngày càng phình to. Tính thanh khoản lớn dẫn đến nhu cầu tăng vọt và không ai nói trước được khi nào "quả bóng" này sẽ nổ tung. Xiaogu nói: "Bây giờ tôi đã nhìn rõ nguy cơ và rủi ro của thị trường. Mặc kệ giá Bitcoin có biến động thế nào, tôi sẽ thuê một chiếc du thuyền, tận hưởng năm mới thay vì đầu tư thêm dàn máy đào. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục khai thác, nhưng không đầu cơ, dồn hết tiền vào Bitcoin nữa".
William, trưởng nhóm nghiên cứu của OKEx Research, cho rằng: "Thứ mà các nhà đầu tư quan tâm là lợi nhuận chứ không phải những cảm giác như 'niềm tin Bitcoin' hay 'cuộc cách mạng Blockchain'. Sau khi vaccine chính thức được tung ra, dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế sẽ phục hồi. Chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt trở lại". Ông cho rằng lúc này các nhà đầu tư có thể bán tháo Bitcoin.
Khương Nha/vnexpress.net
https://vnexpress.net/tho-dao-tien-ao-va-cu-soc-bitcoin-4220587.html