Dân buôn máy đào Bitcoin ở chợ Huaqiangbei, Thâm Quyến, vẫn còn ám ảnh về năm 2018, khi hàng trăm dàn máy bỗng chốc trở thành sắt vụn sau một đêm.
Huaqiangbei - khu chợ công nghệ lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến - những ngày này náo nhiệt trở lại sau những tháng ngày ảm đạm vì Covid-19. Tin đồn giá Bitcoin có thể tăng nữa khiến thị trường linh kiện, lắp ráp máy tính ở đây liên tục cháy hàng. Một số mẫu "trâu cày" phổ thông thậm chí tăng giá gấp đôi. Một bộ máy cơ bản bình thường giá 23.000 nhân dân tệ (82 triệu đồng) nay "đội" lên gần 40.000 nhân dân tệ (143 triệu đồng). Một lượng lớn card đồ hoạ thế hệ mới, như RTX30 series và RX6000 series, cũng khan hàng. Các thợ đào không dễ tìm mua linh kiện để lắp thêm dàn máy mới.
Nhưng chính khu chợ này gần hai năm trước lại là một không khí u ám.
Mọi thứ ập đến khi thị trường Bitcoin sụp đổ vào năm 2018. "Hàng trăm cửa hàng đóng cửa. Sau mùa xuân năm 2019, các dân buôn máy đào Bitcoin ở Huaqiangbei lần lượt phá sản, chỉ còn dưới 10% các cửa hàng hoạt động cầm chừng", Zhang Chi, chủ một cửa hàng buôn máy đào Bitcoin ở chợ Huaqiangbei, vẫn nhớ như in nỗi ám ảnh của cuộc đời.
"Cửa hàng của tôi tồn đọng gần 500 máy tính của nhiều thương hiệu khác nhau. Tất cả bỗng thành đồ bỏ đi chỉ sau một đêm. Thị trường lao dốc, thợ đào phá sản, máy móc thành đống sắt vụn không hơn không kém", anh nhớ lại. Zhang Chi đành thanh lý tất cả số máy tồn đọng với giá rẻ và mở một cửa hàng bán camera giám sát nhỏ.
Một gian hàng bán máy đào Bitcoin ở chợ công nghệ Huaqiangbeui năm 2018.
Kể từ đó, Zhang Chi không còn quan tâm đến tin tức về Bitcoin hay tiền ảo. Không ngờ hai tuần trở lại đây, những khách hàng xưa cũ của anh bất ngờ liên lạc lại để tìm mua máy đào. "Có lẽ cả khu chợ chỉ còn hơn chục cửa hàng kiên trì bám trụ. Số lượng máy còn lại cũng đã nhanh chóng cháy hàng", Zhang nói.
Cơn "khát" card đồ hoạ đang quay lại
Sau khi trò chuyện với những bạn buôn cũ, Zhang cho biết giá máy đã tăng vọt những ngày qua. Có nơi tăng 30%. Những người đặt hàng phải chờ đến tháng 3 mới có thể nhận máy. "Ba tháng không phải thời gian dài, nhưng với chu kỳ tăng giảm điên cuồng của Bitcoin, thời gian này lại có quá nhiều rủi ro, không ai nói trước được điều gì", anh nói.
Một dân buôn máy đào Bitcoin trong chợ Huaqiangbei cho biết cửa hàng của ông đã bán được hơn 1.200 máy vào dịp 1/1 vừa qua. "Nếu lượng hàng tồn trong kho lớn hơn, số lời kiếm có thể còn cao hơn rất nhiều", ông kể. "Card đồ hoạ RTX 3070 hiện có giá 6.000 nhân dân tệ (21 triệu đồng), RTX 3080 giá hơn 10.000 nhân dân tệ (35,6 triệu đồng). Tất cả đều tăng những cũng không có để mua. Không ai dám chắc bao giờ lô hàng mới sẽ về. Thị trường kinh doanh máy đào cũng vô định như giá Bitcoin, không có gì chắc chắn", ông Wu, chủ một cửa hàng thiết bị máy tính cho biết.
Khắp chợ Huaqiangbei, người hỏi mua card đồ hoạ cao cấp không phải khách hàng định lắp máy tính cá nhân mà hầu hết là "thợ mỏ" hoặc "quản đốc" của các mỏ đào Bitcoin. Những người này mua card để lắp máy đào.
Mỗi máy đào Bitcoin cần ít nhất 6 thanh card đồ hoạ khiến cơn sốt card quay lại khi Bitcoin tăng giá.
"Bạn có biết những người này 'khát card' đến mức điên cuồng thế nào không? Họ sẵn sàng trả thêm 800 nhân dân tệ (2,8 triệu đồng) để mua được một card đồ hoạ", ông chủ Wu nói. Ngay khi card đồ hoạ được nhập về, dân buôn ở trung tâm mua sắm sẽ lắp ráp thành một dàn máy và bán kiếm lời. Thông thường, mỗi máy đào cần ít nhất 6 card.
Giá Bitcoin tăng mạnh, nhu cầu về máy khai thác và card đồ họa cũng tăng mạnh, nhưng dân buôn tiền ảo ở Huaqiangbei vẫn hoài nghi về "cơn sốt" máy đào này. "Tôi không dám tiếp tục. Quá mạo hiểm. Nó như một canh bạc", Qing Xiao Chen, một dân buôn linh kiện lâu năm ở Thâm Quyến, nói ngắn gọn.
Zhang Chi từng phất lên nhờ buôn máy đào, nhưng cũng rơi vào cảnh túng quẫn khi thị trường sụp đổ. Anh xua tay và nói: "Tôi liên hệ lại với các mối làm ăn cũ để nói chuyện. Phí trung gian cũng ổn, nhưng tôi không dám nghĩ đến việc bán máy đào nữa". Zhang nhớ lại thời điểm "ăn lên làm ra" vào năm 2017, khi anh và hàng trăm thương gia khác ở Huaqiangbei chuyển sang bán máy đào. Lúc này Bitcoin có giá 19.000 USD và cả "thợ mỏ", "quản đốc" trong ngày đều lên sơn sốt đồ hoạ như bây giờ. Nhưng chỉ một năm sau, giá Bitcoin lao dốc đến 80%, đẩy việc kinh dainh của Zhang vào thời khắc tồi tệ nhất.
Theo quan điểm của Zhang Chi, nhu cầu về máy khai thác sẽ bám sát đà tăng giá của Bitcoin. Anh gọi những đợt tăng giảm giá này như "tàu lượn siêu tốc". Ngay cả khi thợ mỏ có nhu cầu cao mua thiết bị thì nó cũng chỉ là cơn sốt nhất thời, thảm kịch có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Trái với quan điểm của Zhang Chi, Ming Gu, một dân buôn card đồ hoạ trẻ tuổi khác đang nhận hàng chục cuộc gọi trên WeChat mỗi giờ để chốt đơn bán card đồ hoạ. "Tôi là trung gian, đặt mua card đồ hoạ từ những thợ đào. Họ phải đặt cọc 30% trước, sau đó tôi tìm hàng và giao trong thời gian sớm nhất", Ming nói. Người này từ chối tiết lộ mức giá chênh lệch nhưng khẳng định: Rủi ro chỉ lớn khi bạn nhập về quá nhiều rồi đem bán. Nếu làm ngược lại, gom số lượng card khách cần rồi sau đó nhập về thì không vấn đề gì phải lo lắng. Một vài dân buôn cho biết họ vẫn tiếp tục tích trữ lượng lớn card đồ hoạ. Nếu Bitcoin có giảm giá thì vẫn có những nhu cầu khác cần dùng đến, miễn là giá cả hợp lý.
Những người đã trải qua "cú sốc Bitcoin" năm 2019 một mực khẳng định họ sẽ không bao giờ quay lại nghề này. Trong khi vài người trẻ vẫn nắm bắt nhu cầu của thị trường, chấp nhận rủi ro để kiếm lời. Hoạt động buôn bán máy đào Bitcoin sẽ tiếp tục trong tương lai dù giá Bitcoin có biến động thế nào. Nhưng những biến động từ thị trường đã dạy cho dân buôn ở chợ công nghệ lớn nhất thế giới bài học để đời. Sẽ không còn cảnh người người đổ xô đi buôn máy đào Bitcoin rồi lại rồng rắn đóng cửa, bỏ trốn, phá sản như trước đây.
Khương Nha/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/noi-am-anh-bitcoin-cua-nguoi-buon-trau-cay-4221422.html