Xu hướng không dùng tiền mặt ở các nước

Chủ nhật, 17.01.2021 | 11:21:41
1,141 lượt xem

Nhiều quốc gia, đi đầu là Trung Quốc, đang xây dựng xã hội không dùng tiền mặt và tập trung vào ứng dụng ví điện tử.

Hơn 10 năm trước, Alipay được khởi động tại Trung Quốc, hứa hẹn về những giao dịch tiền đơn giản trên mạng cho tất cả mọi người. Vài năm sau, WeChat ra mắt dịch vụ thanh toán di động tương tự mang tên WeChat Pay cho hàng triệu người dùng.

Hai ứng dụng này giờ đã phổ cập trên smartphone khắp Trung Quốc, thúc đẩy cuộc cách mạng biến nước này thành một trong những xã hội ít dùng tiền mặt nhất thế giới. Nhiều người cho biết đã nhiều năm không dùng đến ví tiền.

Một khách hàng thanh toán bằng Alipay tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Một khách hàng thanh toán bằng Alipay tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, trong đó hàng trăm triệu người dựa vào điện thoại để thanh toán mọi thứ. Phần lớn doanh nghiệp đều có mã QR, cho phép khách hàng dùng ứng dụng thanh toán để quét và mua hàng. Điều này phổ biến đến mức chính phủ phải xử phạt những cửa hàng không nhận tiền mặt từ khách hàng, nhấn mạnh rằng đồng Nhân dân tệ vẫn là loại tiền tệ chính thức của Trung Quốc.

Toby Graham, 40 tuổi, đang sống và làm việc cho một công ty kế toán quốc tế ở Thượng Hải, cho biết anh không thể tưởng tượng cảnh trở về dùng tiền mặt. "Tôi không thể nhớ lần cuối mình dùng tiền mặt, nhưng chắn chắn là từ nhiều năm trước", anh nói.

Graham sống ở Trung Quốc khoảng 8 năm và chứng kiến sự trỗi dậy của WeChat và Alipay. Anh ngừng dùng ATM từ năm 2017. "Công việc khiến tôi phải đến 7 thành phố lớn tại Trung Quốc trong 4 tháng qua. Tất cả những gì tôi mang theo là hộ chiếu, quần áo và điện thoại. Tôi không cần tiền mặt, thậm chí còn không có ví tiền", Graham cho hay.

Anh vẫn mang thẻ tín dụng, nhưng chỉ dùng nó trong trường hợp mất điện thoại. "Điện thoại cho phép bạn làm mọi thứ. Tôi dùng nó để trả hóa đơn điện nước, tiền thuê nhà, mua sắm online và tại siêu thị. Tôi không nghĩ được điều gì mà điện thoại không thể làm tại đây", anh nói.

Các ứng dụng thanh toán di động còn xuất hiện ở nhiều ngôi làng hẻo lánh. Theo công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting, gần một nửa dân số nông thôn Trung Quốc đã thường xuyên sử dụng dịch vụ thanh toán di động.

"Tôi thấy nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, như những hàng bán hoa quả bên đường hoặc xe bán mỳ trên phố, không còn nhận thanh toán tiền mặt. Tôi thấy người ăn xin khắp nơi, họ cũng mang theo mã QR để bạn quét và cho tiền", Graham nói.

Thụy Điển cũng diễn ra tương tự. Quốc gia Bắc Âu dự kiến không còn sử dụng tiền mặt vào năm 2023, thay vào đó là thanh toán kỹ thuật số hoặc thẻ ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp địa phương như nhà hàng và quán rượu, thậm chí các ngân hàng nhỏ, đã ngừng tiếp nhận tiền mặt. Ngân hàng trung ương Thụy Điển cho biết chỉ còn chưa đầy 10% người dân dùng tiền mặt trong năm 2020, so với mức 40% trước đó 10 năm.

Valter Primus, 20 tuổi, cảm thấy lạ lùng khi thấy có người trả tiền mặt. "Tôi thực sự không thấy ai làm vậy, chủ yếu chỉ thấy trong phim", Primus nói, cho biết lần cuối anh sử dụng tiền mặt là khi 13 tuổi, không lâu trước khi có thẻ debit đầu tiên.

"Tôi không nhớ dùng tiền để mua gì. Có thể là bánh mỳ ở trường hoặc gì đó. Kể từ sau đó, tôi bắt đầu dùng Swish, ứng dụng cho phép chuyển tiền từ tài khoản của mình đến người khác bằng số điện thoại của họ", Primus tiết lộ.

Swish được triển khai từ năm 2012 bởi 6 ngân hàng lớn nhất Thụy Điển và đã có hơn 7 triệu người dùng toàn quốc, chiếm hơn 2/3 dân số nước này. Ứng dụng hỗ trợ nhiều người không cần mang theo tiền hoặc cất tiền ở nhà.

"Tôi không thể nghĩ tới việc quay lại dùng tiền mặt. Nó thật phiền phức và giống như sống ở thế kỷ 19. Ngay cả cụ cố của tôi cũng biết dùng Swish", Primus nói thêm.

Hàn Quốc cũng đang dần theo kịp Trung Quốc về thanh toán không tiền mặt. Đây là một trong những nước có nền tảng chuyển khoản tiền tốt nhất thế giới và tiền mặt chỉ chiếm 20% giao dịch trong năm 2018, số người không mang theo tiền cũng ngày càng tăng cao.

Hệ thống Samsung Pay được trình diễn tại Hội nghị Di động thế giới. Ảnh: AFP.

Hệ thống Samsung Pay được trình diễn tại Hội nghị Di động thế giới. Ảnh: AFP.

Một sinh viên 20 tuổi giấu tên cho biết cô chỉ sử dụng tiền mặt một lần vào tháng trước để mua thuốc tránh thai khẩn cấp vì không muốn để lại tung tích. Điện thoại được dùng trong mọi giao dịch thường ngày của sinh viên này. "Tôi nghĩ thế hệ trẻ, những người dưới 65 tuổi, đang nghiêng về thanh toán kỹ thuật số. Nếu không phải thẻ credit hay debit, mọi người đều dùng ứng dụng chuyển tiền như KakaoPay, Samsung Pay hoặc ZeroPay", nữ sinh viên cho hay.

Tại Singapore và Malaysia, ngày càng nhiều người chuyển sang dùng ứng dụng thanh toán di động, nhưng vẫn có lượng dân số nhất định cần đến tiền mặt ở các vùng nông thôn không có hệ thống thanh toán điện tử.

"Tiền mặt dành cho những nơi không dùng payWave - phương pháp thanh toán phi tiếp xúc, hoặc những nơi như chợ bán buôn hoặc trung tâm hàng rong", Nica Rollan, công dân Philippines 28 tuổi làm việc tại Singapore, cho hay.

Hesper Buckland, 19 tuổi, khẳng định điều tương tự cũng diễn ra tại Malaysia. "Tôi luôn cầm theo một ít tiền bởi nhiều hàng bán rong hoặc đồ ăn đường phố ở Malaysia chỉ nhận tiền mặt. Với mọi thứ khác, tôi dùng ứng dụng trên điện thoại", Buckland nói.

Các cửa hàng rong thường chỉ nhận tiền mặt, nhưng chính quyền địa phương đang tìm cách điện tử hóa những doanh nghiệp này.

Rollan thích sự tiện dụng khi không phải mang tiền, nhưng cô thừa nhận sẽ quay lại dùng tiền mặt hoàn toàn khi về Philippines. "Dịch vụ tài chính ở Philippines phân tách rất mạnh, khác với ở Singapore, nơi mọi người đều dùng ứng dụng điện tử như PayNow và PayLah. Không dùng tiền mặt ở Philippines chỉ càng đào sâu khoảng cách thu nhập", cô nói.

Nhiều người tỏ ra lạc quan về một xã hội không tiền mặt, nhưng vẫn có không ít người tin điều này sẽ bỏ rơi nhiều cộng đồng cư dân. Chuyên gia tài chính Erica Sandberg ở San Francisco có chung lo ngại này.

"Chuyển dịch sang xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt sẽ bỏ rơi những người không có tài khoản ngân hàng. Không phải ai cũng có thẻ credit hay debit, hay smartphone trang bị ứng dụng ví điện tử. Một chiếc ví vật lý chứa tiền khi ra khỏi nhà có thể giúp bạn thấy tiền đang hết dần khi tiêu dùng và phải cẩn trọng chi tiêu hơn", bà nói.

Sandberg cũng cảnh báo không dùng tiền mặt có thể dẫn tới xâm phạm quyền riêng tư và tự do cá nhân. "Mua sắm mà không bị theo dấu rất quan trọng. Tiền mặt mang đến khả năng giao dịch mà không sợ bị giám sát", bà cho hay.

Lo ngại về riêng tư không khiến người dùng hạn chế thanh toán điện tử, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19 hoành hành và phương án thanh toán phi tiếp xúc được ưu tiên.

Richard Hartung, Giám đốc công ty tư vấn tài chính Transcart, cho rằng giao dịch phi tiền mặt ở châu Á ngày càng tăng vì người dân ưu tiên tính tiện dụng, thay vì riêng tư. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đang đi đầu trong xã hội không tiền mặt ở châu Á, nhưng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi những nước khác có động thái tương tự.


Điệp Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/xu-huong-khong-dung-tien-mat-o-cac-nuoc-4222098.html

  • Từ khóa