Các công ty công nghệ lớn từ châu Á đến châu Âu đồng loạt lấn sân thị trường ôtô thông minh theo nhiều cách khác nhau.
Tháng 6/2013, tại Hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển phần mềm, Apple tuyên bố gia nhập lĩnh vực xe hơi với dự án "iOS in The Car". Một tháng sau, bên kia bờ Đại Tây Dương, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc - Baidu khởi động chiến dịch phát triển xe tự lái. Đầu năm 2021, thông tin Foxconn tiếp quản một số nhà máy sản xuất ôtô làm rộ lên tin đồn công ty này sắp gia nhập thị trường xe hơi.
Cuộc đua nóng lên từng ngày
Ban đầu, Apple chỉ định làm phần mềm cho ôtô. Khi giới thiệu "iOS in The Car", hãng hợp tác với Ferrari, Volvo và các công ty xe hơi khác. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử, Apple đưa phần mềm của mình lên phần cứng của một hãng khác.
Đến năm 2014, tin đồn Apple chế tạo xe hơi bắt đầu rộ lên với "Project Titan". Tham vọng của Apple được cho là sẽ phá vỡ hoàn toàn ngành xe hơi truyền thống bằng những chiếc ôtô thông minh, không người lái. Một năm sau, tiếp tục có tin đồn Apple đang tuyển dụng nhân tài làm ôtô trên quy mô lớn, nhân sự R&D có lúc vượt quá con số 500.
Năm 2016, "Project Titan" bị chững lại, Apple lần đầu tuyên bố rằng họ sẽ không theo đuổi mục tiêu sản xuất xe hơi như Tesla mà chỉ tập trung vào việc phát triển phần mềm tự lái. Tuy nhiên trong thời gian này, mâu thuẫn giữa Apple và Tesla trở nên gay gắt. Musk nhiều lần tố công ty của Jobs "săn trộm" nhiều giám đốc điều hành và kỹ sư của Tesla.
Tháng 11/2018, cách phòng R&D của Apple nửa vòng trái đất, một trạm vận hành xe không người lái được xây dựng ngay trước cửa toà nhà của Baidu - công ty Internet lớn nhất Trung Quốc. Li Yanhong, người sáng lập của Baidu, tuyên bố: "Chúng tôi không sản xuất ôtô của riêng mình. Chúng tôi chỉ thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ xe tự lái". Tương tự Apple, hãng công nghệ Trung Quốc cũng khẳng định chỉ phát triển phần mềm, khác biệt duy nhất là họ công khai các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm của mình và sẵn sàng hợp tác với các đối tác có "hứng thú".
Công nghệ xe tự lái là năng lượng mới sẽ là thế mạnh của các công ty như Apple, Baidu khi tham gia thị trường xe hơi.
Khi những chú ý của giới công nghệ và xe hơi cùng dồn về Tesla và gần như không ai nhớ đến "Project Titan" hay xe tự lái của Baidu, cuối năm 2020, tin đồn Apple sẽ ra ôtô tự lái vào năm 2024 lại rộ lên. Lần này nhiều bằng chứng cho thấy, công ty sản xuất iPhone sẽ thật sự quay lại "đường đua". Hãng bắt đầu tiếp xúc với một số nhà sản xuất phụ tùng xe hơi. Một số nguồn tin đáng tin cậy còn cho biết Apple sẽ sớm ra mắt nguyên mẫu xe thử nghiệm vào tháng 9/2021 tại California. Như truyền thống, CEO Tim Cook chưa bao giờ khẳng định tin đồn nào là đúng hoặc tiết lộ về kế hoạch của mình.
Đầu năm 2021, Baidu cũng công bố hợp tác với Geely để thành lập công ty ôtô thông minh. Trong thương vụ này, gã khổng lồ Internet sẽ nắm quyền kiểm soát để có thể can thiệp từ khâu thiết kế, sản xuất đến phát triển chuỗi bán hàng, dịch vụ.
Cùng lúc Geely và Baidu công bố hợp tác chiến lược, hãng cũng bắt tay với Foxconn - một tên tuổi gạo cội khác của làng công nghệ để thành lập một công ty liên doanh, cung cấp xe hơi và xe du lịch trên toàn cầu. Đầu năm 2021, Foxconn đã tiếp quản Byton Motors, một công ty sắp phá sản. Hãng cũng mời được Zheng Xiancong, cựu sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của Weilai - công ty ôtô năng lượng mới của Trung Quốc và Wei Guozhang, kỹ sư phần mềm của Apple về làm việc.
Lợi thế của những kẻ "ngoại đạo"
Không phải ngẫu nhiên các hãng công nghệ "đổ bộ" vào thị trường xe hơi. Họ đều chuẩn bị cho ngày này từ hàng chục năm trước. Khi thiên thời địa lợi sẵn sàng, họ bắt đầu chạy đua nước rút.
Nếu có ai đó nghi ngờ liệu các công ty công nghệ "tay mơ" có thể thành công trong thị trường xe hơi đã tồn tại hàng trăm năm không, Tesla là minh chứng sống động nhất. Hãng xe của Elon Musk chân ướt chân ráo vào thị trường từ năm 2003 và đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Sau 17 năm phát triển, hiện công ty trị giá hơn 800 tỷ USD, cao hơn tổng giá trị của những thương hiệu lâu đời như Toyota, Volkswagen, BMW.
Đó là riêng trong lĩnh vực xe dùng năng lượng mới. Tương lai của xe tự lái còn lớn hơn nhiều. Cơ hội cho các công ty công nghệ như mảnh đất màu mỡ chờ khai phá. Ở Trung Quốc, Bộ Công nghệ và Công nghệ thông tin quy hoạch đến năm 2025, xe dùng năng lượng mới sẽ chiếm 20% tổng doanh số bán ra. Riêng tại thị trường tỷ dân, quy mô hàng năm có thể đạt 4 - 5 triệu chiếc.
Thời điểm đó, những thuật ngữ như khoang lái thông minh, phần mềm tự hành sẽ trở thành tiêu chuẩn của ngành xe hơi, thậm chí là chìa khóa cạnh tranh của các hãng. Theo các nhà phân tích, vòng một của cuộc đua xe thông minh sẽ diễn ra trong chu kỳ 3 năm. Những tên tuổi nào không nhập cuộc sớm sẽ rất khó bắt kịp các vòng tiếp theo. Đó là lý do hầu hết công ty công nghệ cùng tuyên bố gia nhập thị trường xe hơi vào đầu 2021.
Hiện tại cả Apple và Baidu đều cùng tham gia ngành công nghiệp ôtô từ thế mạnh sản xuất phần mềm. Trong khi đó, Foxconn có thể đi theo hướng ngược lại khi có kinh nghiệm lâu năm với các xưởng đúc, gia công.
Một yếu tố khác khiến các công ty công nghệ có lợi trong cuộc đua xe thông minh là họ sở hữu công nghệ và có thể làm chủ thị trường chíp. Nếu không có chip, sẽ không có xe thông minh. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt, quyết định thành bại của cuộc chiến. Sở dĩ Tesla có thể gặt hái được thành công là do hãng không chỉ sở hữu khả năng lắp ráp, sản xuất máy móc, thân xe mà còn có thể tự phát triển phần mềm, ứng dụng.
Hơn nữa, các công ty công nghệ như Apple có một lợi thế khác là lượng khách hàng trung thành. Nếu người mua iPhone cũng mua xe hơi của Apple, đó sẽ là một con số khổng lồ mà mọi công ty ôtô đều mơ ước.
Thách thức hiện hữu
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội lớn, thị trường xe hơi cũng là sân chơi khốc liệt, từng đào thải nhiều thương hiệu danh tiếng toàn cầu. Đầu tư vào ôtô đồng nghĩa các công ty công nghệ chấp nhận cuộc chơi đường dài, đổ tiền nhiều, thu hồi vốn lâu.
Trước khi thành hãng xe trị giá nhất thế giới, Tesla đã lỗ liên tục hàng chục năm, công ty nhiều lần đứng bên bờ vực phá sản. Giờ đây, với sự vào cuộc của nhiều ông lớn, thị trường sẽ khốc liệt hơn gấp bội.
Nếu xét về tiềm lực tài chính, giá thị trường của Apple tính đến giữa tháng 1 năm nay là 2,17 nghìn tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với định giá 800 tỷ USD của Tesla. Những công ty Trung Quốc như Baidu hay Foxconn còn có giá trị thấp hơn nhiều. Điều đó đồng nghĩa việc họ phải có những lựa chọn thông minh như cách mà Huawei, Xiaomi, Oppo từng làm để rút ngắn khoảng cách với các công ty công nghệ quốc tế. Baidu, Foxconn có một lợi thế đặc biệt về thị trường dân số lớn cũng như chính sách ưu đãi của Bắc Kinh dành cho doanh nghiệp nội địa.
Nhìn vào bức tranh tổng thể có thể thấy ngành công nghiệp xe thông minh và xe hơi năng lượng mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nóng. Đây là thời điểm thuận lợi để các công ty công nghệ chen chân vào thị trường. Về mặt vĩ mô, sự hiện diện của Apple, Foxconn, Baidu sẽ đẩy nhanh sự phát triển của thị trường ôtô, nhưng cũng có thể tạo ra những xáo trộn nhất định.
Khương Nha/vnexpress.net
https://vnexpress.net/cuoc-dua-san-xuat-oto-cua-cac-dai-gia-cong-nghe-4224031.html