"Cơn khát" chip toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021, dẫn tới khoảng 4,5 triệu ôtô bị cắt giảm, tương đương 5% sản lượng xe toàn thế giới.
Ngành công nghiệp bán dẫn đã trải qua một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thương chiến Mỹ - Trung. Hiện tại, hơn 80% sản lượng chip thế giới đi ra từ các nhà xưởng châu Á. Nguồn chip tập trung nhiều ở Đài Loan, Hàn Quốc với những tên tuổi lớn như TSMC, Samsung, UMS. Những tên tuổi kỳ cựu trong ngành chip như Intel đã bị AMD, TSMC đánh bại.
Trong bối cảnh cung không đủ cầu, giới phân tích đi tìm các nguyên nhân và có hai vấn đề cơ bản được nhắc đến. Một là, các nhà sản xuất ôtô đã đánh giá sai nhu cầu thị trường, khi Covid-19 bùng phát. Hai là, sự thay đổi về vị thế giữa bên sản xuất với bên tiêu thụ. Giờ đây, bên sản xuất có quyền lựa chọn những đơn hàng mang lại giá trị cao, như chip 5 nm, 7 nm thay vì chip 28 nm hay 40 nm cho xe hơi.
Chip sử dung trong ngành công nghiệp ôtô chủ yếu được sản xuất trên tiến trình 28nm đến 40nm, trong khi các nhà sản xuất Chip đã hướng đến những quy trình hiện đại hơn với hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Mytyreshop.
Về phía các nhà sản xuất chip, việc thiếu nguyên liệu đầu vào khiến họ không thể mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp đơn hàng cho các công ty ôtô. Đại diện Nvidia, Huang Renxun công khai với truyền thông vào cuối 2020 rằng: "Bây giờ tất cả đều thiếu, trừ bộ tản nhiệt. Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu, các công ty đúc chip sẽ ưu tien những đơn hàng có giá trị và lợi nhuận cao. Do đó, những mẫu chip cao cấp sẽ được sản xuất trước, chip cho xe hơi không được sản xuất theo quy trình tiên tiến sẽ được xem xét sau".
Các công ty sản xuất ôtô lớn của Mỹ đang đàm phán với Bộ Thương mại Mỹ và Tổng thống Biden để tìm kiếm những chính sách mới, thúc giục nhà sản xuất chip phân phối lại các đơn hàng cần thiết cho ngành xe hơi. Một số ý kiến cho rằng TSMC và UMC đang tăng giá. Nhưng thực tế, lựa chọn của các nhà sản xuất chip đều dựa trên đơn hàng nào có lợi nhuận cao hơn thì sẽ được ưu tiên.
Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất chip. Sau đại dịch, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm điệu tử tiêu dùng tăng vọt. Những thiết bị gia dụng nhỏ, máy tính bảng, smartphone, tai nghe không dây đang bán chạy. Vì vậy, nguồn chip cũng được dồn vào đây nhiều hơn. Ở một số nơi, khi dịch bệnh đã qua đi, thị trường xe du lịch cũng tăng, nhu cầu đi lại phổ biến hơn khiến việc xuất khẩu chip đi phương Tây không còn là ưu tiên hàng đầu.
Bản thân các nhà sản xuất chip nổi tiếng như TSMC cũng nhận ra sự thay đổi này. Trong một hội nghị hôm 14/1 tại Đài Loan, Giám đốc điều hành - ông Wei Zhejia - nói: "Khi nhu cầu ôtô tăng lên, việc thiếu hụt nguồn cung chip sẽ trở nên rõ ràng. Ngành công nghiệp xe hơi cần lượng lớn các thành phần bán dẫn. Các công ty công nghệ như chúng tôi đang làm việc lại với khách hàng để giảm thiểu tối đa tác động từ cơn khát chip này".
Trên thực tế, TSMC không có thời gian để xem xét lại các sản phẩm sản xuất trên quy trình thấp. Nhu cầu chip cho xe hơi thông minh không chỉ là vấn đề về số lượng mà còn là công nghệ chip xử lý mới. Các nhà sản xuất ôtô cũng cần đổi mới công nghệ, nâng cấp lên những tiêu chuẩn mới.
Khương Nha/vnexpress.net
https://vnexpress.net/con-khat-chip-cong-nghe-lan-sang-nganh-oto-4226014.html