Tranh luận về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ 2, 01.02.2021 | 10:37:35
441 lượt xem

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số không cần thiết, nhiều rủi ro, trong khi cơ quan chức năng cho rằng, phải để doanh nghiệp thử chuyển đổi số.

Tại lễ khởi động chương trình SMEdx tại Hà Nội cuối tuần trước, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đưa ra.

SMEdx là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chuyển đổi số, bằng cách kết nối các đơn vị có nhu cầu, với đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, chẳng hạn MoMo, VnPay, 1Office, Misa ASP, CyRadar... Ở đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng chuyển đổi số trong 3 tháng, nhằm "từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ" để tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy sự hoàn thiện quốc gia số.

Tuy nhiên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp lại cho rằng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cả nước, là "vấn đề nan giải".

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra năm vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải khi chuyển đổi số: chi phí; nhân lực tiếp nhận chuyển đổi số; an toàn thông tin; việc kết nối doanh nghiệp với nền tảng chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ và ưu đãi.

Trong khi đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng, chuyển đổi số có thể được quan tâm ở Hà Nội hay TP HCM, nhưng chưa chắc có ý nghĩa với các doanh nghiệp ở tỉnh. "Ở các tỉnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất nhiều, nhưng trong đó, doanh nghiệp cần chuyển đổi số lại ít. Bởi những chủ doanh nghiệp xuất thân từ kỹ sư, quan tâm công nghệ, hầu hết đã ra thành phố lớn", ông Nguyễn Kim Hùng, đại diện hội, nói. Ví dụ ở tỉnh Quảng Ninh - địa phương có 20 nghìn doanh nghiệp, khi tổ chức các chương trình liên quan đến chuyển đổi số, lượng doanh nghiệp tham gia rất ít "bởi họ không quan tâm".

Bên cạnh đó, do đặc thù cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhiều sản phẩm không cần phải đưa lên "online". Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không có ngân sách cho chuyển đổi số, hay ngay cả khi muốn chuyển đổi số, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Ông Hùng cho rằng, với các doanh nghiệp này, dù được cung cấp giải pháp miễn phí, họ cũng sẽ không coi trọng và không thể sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Thay vào đó, ông đề xuất cần thay đổi tư duy trước, ví dụ, tổ chức các chương trình đào tạo online để doanh nghiệp hiểu về vai trò của chuyển đổi số và giá trị của các nền tảng chuyển đổi số, trước khi đưa các nền tảng này đến cho họ sử dụng.

Đại diện VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (bên trái) cùng hai đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số lần lượt là Misa, Bkav (bên phải).

Đại diện VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (bên trái) cùng hai đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số lần lượt là Misa, Bkav (bên phải).

Về phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục tin học hóa, cho rằng "phải đi vào hành động mới có thể thay đổi nhận thức".

Theo ông Công Anh, mỗi doanh nghiệp đều có "nỗi đau" riêng. Nếu các giải pháp chuyển đổi số trên giải quyết được "nỗi đau" đó, họ sẽ tiếp tục sử dụng, ngược lại sẽ bỏ đi. "Ba tháng là thời gian vừa đủ để các doanh nghiệp cảm nhận được có cần chuyển đổi số không", ông Anh nói.

Ví dụ, trong một xóm có nhiều người cùng kinh doanh một mặt hàng, nếu một nhà áp dụng các phương pháp mới có hiệu quả, các nhà khác sẽ tò mò và tìm cách học theo. Theo ông Công Anh, đó là sự thay đổi trong tư duy và nhận thức.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Thắng, đại diện đơn vị phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office, cho rằng chuyển đổi số cũng giống như lắp đồng hồ công-tơ-mét cho chiếc xe.

"Không đồng hồ, xe vẫn chạy, cũng như chuyển đổi số, doanh nghiệp vẫn hoạt động. Nhưng nếu muốn phát triển, buộc phải có một thứ giống chiếc đồng hồ, tức là một thứ để đo, từ đó, có căn cứ để tăng ga, giảm tốc, đưa ra những quyết định đúng đắn trong kinh doanh", ông Thắng nói.

Việt Nam hiện có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm hơn 98%. Các doanh nghiệp dạng này sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP. Khi Covid-19 diễn ra, trên 90% SME chịu ảnh hưởng tiêu cực, doanh thu sụt giảm 50%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động lên mức 24%.

Dẫn số liệu nghiên cứu từ IDC, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp sống sót, phục hồi và phát triển mạnh hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số có năng suất cao gấp đôi các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số. Đến năm 2024, chuyển đổi số được nhận định là sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số sẽ được triển khai xuyên suốt cả năm 2021. Thông qua chương trình, cộng đồng công nghệ Việt Nam có thể nắm bắt được "nỗi đau" của các doanh nghiệp SME, định hình các "bài toán" của Việt Nam để từ đó giải quyết bằng công nghệ số.


Lưu Quý/vnexpress.net

https://vnexpress.net/tranh-luan-ve-chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-4228616.html

  • Từ khóa