Các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ cũng như mạng lưới triển khai dịch vụ. Thời gian sớm nhất có thể tiến hành thí điểm là trong vài tháng tới.
Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/3/2021.
Hiện tại, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, Vinaphone và Mobifone đều đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây được xem là bước đi đầu tiên để các nhà mạng có thể tiến hành triển khai dịch vụ Mobile Money.
Các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ cũng như mạng lưới triển khai dịch vụ.
"Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, các nhà mạng sẽ phải nộp đề án thực hiện lên Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng như Bộ Công an để nhận đánh giá và cấp phép. Trường hợp nhanh nhất, quá trình này sẽ kéo dài trong vài tháng tới, tùy thuộc vào thời gian đánh giá của các cơ quan chức năng. Hiện tại, các nhà mạng đều đã sẵn sàng và đang nỗ lực để triển khai dịch vụ sớm nhất có thể", đại diện truyền thông nhà mạng Mobifone nói với Dân trí.
"Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã sẵn sàng thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép để cung cấp dịch vụ ra thị trường. Hiện VNPT sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ", đại diện nhà mạng Vinaphone cho biết.
Dân trí cũng đã liên hệ với nhà mạng Viettel nhưng đơn vị này chưa tiết lộ thông tin.
Mobile Money hay tiền điện tử trên thuê bao di động là dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo đó, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.
Khác với các dịch vụ Ví điện tử đang cung cấp trên thị trường, dịch vụ Mobile Money không yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng mà chỉ cần có số điện thoại di động.
Điều này cho phép Mobile Money tiếp cận được một bộ phận lớn người dân, đặc biệt với những người ở vùng sâu, vùng xa, chưa có tài khoản ngân hàng, từ đó thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt nói chung tại Việt Nam theo đúng định hướng của Chính phủ.
Cần lưu ý rằng, không phải mọi chủ sở hữu thuê bao di động đều có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money. Theo đó, khách hàng phải có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.
Tài khoản Mobile Money gắn liền với số thuê bao di động, không cần phải liên kết đến tài khoản ngân hàng.
Các số thuê bao di động cũng phải thỏa mãn điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.
Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Thế Anh/dantri.com.vn