Loại hình thu phí báo online khả thi nhất ở Việt Nam chính là chỉ thu phí đọc một số nội dung
Vào thời đại của số hóa và internet, đặc biệt khi internet di động bùng nổ, báo chí không thể tránh được yêu cầu phải chuyển sang nền tảng số và lên internet. Nhiều tờ báo, ngay cả những tờ có lịch sử lâu đời, đã phải đình bản báo giấy để chỉ hoạt động trên internet. Việc thu phí người đọc báo điện tử chính là một thành phần trong nền kinh tế báo chí số.
Thu phí những tin - bài "độc"
Tạp chí điện tử Ngày Nay của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam ngày 29-3 đã trở thành tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí người đọc. Trước đó, báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam thu phí là VietnamPlus của TTXVN, áp dụng từ năm 2018 - người đọc trả phí để đọc một số ít bài chọn lọc hằng ngày.
Tại Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giữa năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo báo chí hiểu rõ việc thu tiền từ bạn đọc online ở Việt Nam rất khó nhưng báo chí vẫn sẽ phải bắt tay vào làm nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu của mình để tồn tại. Thực tế trên thế giới, nhiều tờ báo lớn và uy tín đã thu phí người đọc trên các sản phẩm online nhưng số lượng vẫn còn nhỏ.
Theo số liệu thống kê của công ty truyền thông toàn cầu FIPP, quý IV/2020, thế giới chỉ có 6 tờ báo có số lượng thuê bao online hơn 1 triệu người, đứng đầu là The New York Times (Mỹ) với 6,1 triệu người, kế đó là The Washington Post (Mỹ) 3 triệu người, The Wall Street Journal (Mỹ) 2,3 triệu người, The Informer (Úc) 2,1 triệu người, Financial Times (Mỹ) 1,1 triệu người và The Athletic (Mỹ) 1 triệu người. Bây giờ, khi vào những tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post..., độc giả chỉ có thể đọc được trang chủ với các tựa đề nội dung. Khi click vào một nội dung nào đó, độc giả sẽ được dẫn đến trang ấy nhưng xuất hiện thông báo đề nghị đăng nhập (nếu là thuê bao) hay đăng ký thành thuê bao.
Với những tờ báo "cứng cựa", họ tự tin dựng bức tường thu phí cứng (hard paywall), buộc người muốn đọc bất cứ nội dung nào đều phải đăng ký thành thuê bao có trả phí. Nhiều hơn là hình thức thu phí có đo lường, cho phép đọc một số lượng nội dung trên báo, khi quá số lượng này thì phải đăng ký mới được đọc tiếp. Đa số báo ở Mỹ áp dụng hình thức này. Đông nhất là những tờ báo áp dụng hình thức thu phí có giới hạn, tức là chỉ dựng rào cản với các tin - bài "độc" mà chỉ những thuê bao mới được tiếp cận. Đây chính là cách mà nhiều tờ báo ở Việt Nam có thể thực hiện.
Neue Zürcher Zeitung, một tờ nhật báo tiếng Đức ở TP Zurich - Thụy Sĩ, từ đầu năm 2015 đã bắt đầu thử nghiệm "cổng thanh toán động" để thu phí. Thay vì dựng bức tường phí cứng ngắt đối với thông tin đã lạc hậu, tờ báo này đầu tư một hệ thống lấy người đọc làm trung tâm, tìm hiểu các thông tin về xu hướng và nhu cầu của người đọc ở từng khu vực, lĩnh vực... rồi xây dựng những nội dung đáp ứng đúng yêu cầu và có hình thức thu phí linh hoạt. Kết quả là số lượng thuê bao trả phí của họ tuy không ồ ạt nhưng chắc chắn và bền vững.
Thu phí trên tờ Bloomberg
Nội dung thu hút, cách thu linh hoạt
Dù chọn cách thu phí nào, tờ báo đầu tư khảo sát nhu cầu của bạn đọc càng kỹ thì càng chắc thành công hơn. Hiện nay, việc xử lý thông tin người đọc online đã có sự trợ giúp đắc lực từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trong quá trình vận hành, AI sẽ phân tích dữ liệu để tòa soạn hiểu rõ nhằm có thể đáp ứng các nhu cầu của người đọc.
Có 2 vấn đề quan trọng của việc thu phí người đọc online là xây dựng nội dung và cách thu phí. Nội dung càng "độc", càng có chất lượng cao mới có thể thu hút và giữ chân người đọc. Việc giữ chân người đọc online rất quan trọng. Chẳng hạn, tờ Los Angeles Times (Mỹ) có thêm 52.000 thuê bao online mới trong nửa đầu năm 2019 nhưng lại có tới 39.000 người đã ngừng trả tiền sau một thời gian đọc báo. Không ít người đọc cho biết họ chấp nhận trả phí cho báo là để đọc bài của những tác giả tên tuổi mà họ yêu thích.
Cách thu phí phải bảo đảm tiêu chí: giá hợp lý và có nhiều tùy chọn linh hoạt. Một số tờ báo nước ngoài từng áp dụng hình thức cho miễn phí đọc nội dung trong ngày nhưng phải trả phí nếu muốn tham khảo lại các nội dung trước đó. Báo USA Today từng thu 1 USD cho mỗi bài báo cũ. Cũng có những tờ báo chỉ cho đọc phần đầu và thu phí nếu muốn đọc trọn vẹn cả bài. Nhiều tờ báo Mỹ hiện nay đưa ra rất nhiều tùy chọn cho người đọc. Người ta có thể trả phí đọc hằng tuần, hằng tháng hay cả năm. Có những đối tượng áp dụng phí riêng. Chẳng hạn, The New York Times có phí rẻ hơn rất nhiều cho sinh viên, giáo viên và giá cho sinh viên chỉ bằng một nửa của giáo viên. Bloomberg thì có giá đặc biệt cho sinh viên cho tới khi tốt nghiệp.
Cái khó nhất trong thương mại điện tử ở Việt Nam là cách thanh toán chi phí. Trong mua hàng online, người Việt chuộng cách thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD). Vì thế, các tòa soạn cũng phải tìm các phương thức thanh toán tiện lợi nhất cho người đọc. Hiện các loại ví điện tử có phần tiện dụng hơn thẻ ngân hàng. Sắp tới đây, việc ứng dụng tiền di động - thanh toán bằng tài khoản di động - sẽ càng thuận tiện hơn cho báo chí.
Loại hình thu phí báo online khả thi nhất ở Việt Nam chính là chỉ thu phí đọc một số nội dung. Và điều quan trọng là phải có nội dung thu hút người đọc để họ chấp nhận trả phí.
https://nld.com.vn/cong-nghe/doc-bao-dien-tu-se-phai-tra-tien-20210330213827347.htm