Google đã công bố bản cập nhật chính sách dành cho nhà phát triển ứng dụng của mình nhằm ngăn chặn các sản phẩm xem các ứng dụng khác đã được cài đặt trên thiết bị Android.
Google cập nhật chính sách bảo vệ người dùng bằng cách ngăn chặn phát triển các ứng dụng dò tìm ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị sử dụng hệ điều hành Android. Ảnh: Pixabay.
Hãng Google tuyên bố, họ coi các ứng dụng đã cài đặt là thông tin riêng tư của người dùng và do đó, hãng đặt mục đích bảo vệ người dùng Android bằng cách giữ an toàn cho dữ liệu này.
Theo đó, Google sẽ giới hạn các ứng dụng yêu cầu quyền QUERY_ALL_PACKAGES, hiện là bắt buộc đối với API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) truy vấn danh sách ứng dụng mà người dùng đã cài đặt cho thiết bị Android 11 trở lên.
Kể từ bây giờ, quyền QUERY_ALL_PACKAGES sẽ chỉ khả dụng khi chức năng cốt lõi của ứng dụng được đề cập là cần phải truy vấn bất kỳ ứng dụng nào đã cài đặt của thiết bị. Do đó, để phản đối chính sách mới này, các nhà phát triển sẽ phải cung cấp bằng chứng hợp lý về cách truy vấn API của các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị Android là hoàn toàn cần thiết để thiết bị đó hoạt động bình thường.
Google mô tả quyền QUERY_ALL_PACKAGES cho phép bất kỳ ứng dụng nào yêu cầu quyền truy cập vào danh sách ứng dụng đã cài đặt để duy trì khả năng tương tác trong quá trình sử dụng. Yêu cầu như vậy sẽ phù hợp với các ứng dụng chống virus, trình duyệt, tìm kiếm thiết bị và trình quản lý tệp.
Nếu một ứng dụng không đáp ứng đủ điều kiện nói trên, Google sẽ yêu cầu nhà phát triển phải xóa ứng dụng đó. Trên thực tế, ngay cả khi một ứng dụng thực hiện theo yêu cầu của Google, nhà phát triển vẫn phải ký vào biểu mẫu khai báo trong Play Console. Không ký vào biểu mẫu này có thể dẫn đến việc ứng dụng bị xóa khỏi Cửa hàng Google Play.
Chính sách cập nhật này sẽ có hiệu lực vào ngày 5-5 tới và kể từ tháng 11, tất cả các ứng dụng được gửi đến Cửa hàng Google Play phải nhắm mục tiêu sử dụng trên hệ điều hành Android 11 trở lên.
Cuối cùng, chính sách này tìm cách bảo vệ người dùng trước các quảng cáo độc hại hoặc các hoạt động tương tự khác có thể xảy ra khi một tổ chức bên ngoài có thể xem các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị.
Trên thực tế, tương tự, trước đó, Google đã có chính sách cho phép người dùng chọn không tham gia các ứng dụng như Facebook tương tác với các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động của họ.
Google đã yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng yêu cầu quyền sử dụng SMS hoặc Nhật ký cuộc gọi của thiết bị phải ký vào biểu mẫu trước khi phát hành trên Google Play. Và bước tiếp theo này hứa hẹn sẽ nâng cao quyền riêng tư của người dùng hơn nữa.
VÕ VĂN/NHANDAN.COM.VN