Từ chỗ là hình mẫu phát triển cho các tập đoàn công nghệ trong quá khứ, Toshiba giờ đây chỉ còn được nhắc tên trong các thương vụ bán lại mảng thị phần.
Theo một thông tin được đăng tải trên tờ Nikkei, Tập đoàn công nghệ cao Toshiba Corp của Nhật Bản đang xem xét đề nghị mua trị giá hơn 20 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh Toshiba đang phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông để cải thiện bộ máy quản trị.
Giá trị thương vụ CVC mua Toshiba sẽ dựa vào bộ phận sản xuất chip nhớ, "viên ngọc quý" trong quá khứ duy nhất còn sót lại của Toshiba, Nikkei đưa tin.
Theo Refinitiv, nếu Toshiba chấp nhận lời đề nghị này, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất của một công ty cổ phần tư nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay, đồng thời vượt qua vụ thâu tóm mảng chip nhớ Toshiba của Bain Capital năm 2018 với giá 18 tỷ USD.
Sự sụp đổ của một tượng đài công nghệ
Toshiba được biết đến là công ty với hàng loạt "sản phẩm đầu tiên" được sản xuất tại Nhật, như sáng chế ra Radar năm 1942, máy tính số TAC năm 1954, máy thu hình bán dẫn và lò vi sóng năm 1959, điện thoại màn hình màu năm 1971, máy tính xách tay năm 1986, đĩa DVD năm 1995,...
Thời sau này, Toshiba cũng đồng thời là công ty đi tiên phong trong các công nghệ TV 3D không cần kính, TV độ phân giải Ultra HD (4K).
Năm 2010 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao nhất trong suốt lịch sử 145 của Toshiba, với vai trò là công ty máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu (xếp phía sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo).
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Toshiba gặp khó khăn từ sau vụ bê bối kế toán năm 2015. Từ một gian lận nhỏ, Toshiba đã rơi tiếp tục đi theo vết xe đổ và chìm sâu hơn vào sai lầm.
Kể từ đó, tập đoàn này phải bán đi bộ phận chip nhớ, đóng cửa mảng y tế, điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng để tập trung vào lĩnh vực năng lượng, hạ tầng công nghiệp.
Nguyễn Nguyễn/Dantri.com.vn