Bạn hâm mộ bóng đá và muốn có sự chuẩn bị để theo dõi giải Euro 2020 sắp diễn ra, hoặc chỉ đơn giản là đang đúng dịp có nhu cầu mua TV?
Tìm một mẫu TV phù hợp để mua là một vấn đề không đơn giản, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều sự lựa chọn trên thị trường như hiện nay, từ mức giá, kích cỡ, công nghệ, tính năng đến thương hiệu…
Trong trường hợp muốn mua TV mới, làm cách nào để lựa chọn một sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân và gia đình? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin để giúp bạn có thể cân nhắc lựa chọn một sản phẩm phù hợp nhất.
Kích thước TV như thế nào là phù hợp?
Việc lựa chọn kích thước phù hợp cho TV sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là "hầu bao" của bạn. TV càng lớn giá càng cao.
Nếu bỏ qua vấn đề giá, bạn cần lựa chọn kích cỡ TV dựa vào không gian và vị trí nơi bạn muốn đặt TV.
Bạn nên lựa chọn kích thước TV phù hợp với không gian xung quanh.
Có nhiều lời khuyên khác nhau được các chuyên gia đưa ra liên quan đến việc lựa chọn kích thước TV phù hợp, nhưng quan trọng nhất là khoảng cách từ vị trí người xem đến màn hình. Theo nhiều chuyên gia, người dùng nên chọn kích thước TV bằng một nửa khoảng cách từ TV đến vị trí người ngồi xem gần nhất, tính bằng đơn vị inch. Chẳng hạn, nếu khoảng cách là 120 inch (3 m) thì nên chọn TV kích thước 60 inch.
Tuy nhiên, lời khuyên này cũng chỉ mang tính tương đối; việc lựa chọn kích cỡ TV còn phải phù hợp với không gian và diện tích phòng. Nếu xem TV tại phòng khách để thưởng thức những bộ phim bom tấn hoặc chương trình ca nhạc, thể thao, bạn có thể chọn loại có kích thước từ 55 inch trở lên. Còn nếu mua TV đặt trong nhà bếp hoặc phòng ngủ, loại dưới 42 inch là sự lựa chọn phù hợp.
Độ phân giải của TV
Hiện thị trường TV đang tràn ngập các sản phẩm có độ phân giải siêu nét, lên đến 8K. Trong khi đó, các mẫu TV với độ phân giải Full HD hoặc 4K cũng rất đa dạng để lựa chọn. Vậy TV có độ phân giải bao nhiêu là phù hợp với nhu cầu của bạn?
Nếu mua TV mới ở thời điểm hiện tại, độ phân giải 4K sẽ là một sự lựa chọn phù hợp, khi mà ngày càng nhiều dịch vụ xem truyền hình trực tuyến với nội dung có độ phân giải 4K. Đặc biệt, TV thường có thời gian sử dụng khá lâu trước khi cần phải thay mới, vì vậy, bạn nên mua một chiếc TV với độ phân giải 4K để có thể sử dụng được lâu dài mà vẫn có thể khai thác được hết những ưu điểm của truyền hình độ phân giải siêu nét trong thời gian tới.
Ngoài ra, hiện các mẫu TV với độ phân giải 4K đang trở nên phổ biến, đa dạng về mẫu mã, giá thành và thương hiệu nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Việc mua TV có độ phân giải 8K vào thời điểm này là chưa thực sự cần thiết, một phần vì mức giá còn rất cao.
Trong trường hợp bạn có ngân sách không lớn và chỉ mua TV kích thước từ 42 inch trở xuống, thì độ phân giải Full HD cũng là vừa đủ để sử dụng.
Có nên mua TV màn hình cong?
Câu trả lời là "Không".
Các mẫu TV màn hình cong được quảng cáo với những lời "có cánh", như mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người xem hoặc thiết kế hiện đại… Trên thực tế, nếu bạn dư dả về tiền bạc và muốn mua một chiếc TV tạo điểm nhấn cho phòng khách, thì TV màn hình cong với kích thước lớn có thể là một sự lựa chọn.
TV màn hình cong không mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt, nhưng lại có giá thành cao hơn khá nhiều so với TV màn hình phẳng thông thường.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố thẩm mỹ, TV màn hình cong không mang lại nhiều khác biệt về trải nghiệm hình ảnh cho người xem. Yếu tố "cong" về cơ bản chỉ là chiêu marketing của các hãng sản xuất, góp phần làm tăng giá bán của sản phẩm.
Hiện tại, nhiều hãng sản xuất TV cũng đã ngừng sản xuất TV màn hình cong do không được người dùng ưa chuộng, tương tự như các mẫu TV công nghệ 3D trước đây.
Nên lựa chọn công nghệ màn hình nào?
3 công nghệ màn hình TV phổ biến nhất hiện nay là OLED, QLED và LCD. Công nghệ Plasma TV gần như đã biến mất trên thị trường, còn công nghệ MicroLED vẫn chưa được phổ biến.
Trong 3 công nghệ màn hình TV phổ biến này, OLED cao cấp hơn so với LCD và QLED, vì công nghệ này không sử dụng tấm đèn nền thông thường, mà mỗi điểm ảnh đều có khả năng tắt/mở ánh sáng riêng biệt. Điều này giúp cho màn hình OLED có khả năng mang lại màu đen tối tuyệt đối (do tắt hoàn toàn điểm ảnh), tạo nên độ tương phản hoàn hảo và mang lại một góc nhìn tốt hơn.
OLED được đánh giá vượt trội hơn so với các công nghệ màn hình khác, nhưng giá thành cũng cao hơn.
Nhược điểm của màn hình OLED là không sáng bằng màn hình LCD, nghĩa là có thể chịu nhiều phản xạ hơn khi xem trong điều kiện nhiều ánh sáng. Bên cạnh đó, màn hình OLED còn có thể bị "burn-in", là tình trạng nếu màn hình OLED hiển thị một màu sắc trong suốt một thời gian dài thì sẽ lưu lại màu sắc đó trên màn hình. Điều đáng nói là không khắc phục được tình trạng này.
Tuy nhiên, may mắn là tình trạng "burn-in" không xảy ra thường xuyên, trừ khi người dùng xem đi xem lại một nội dung quá nhiều lần, chẳng hạn như một số kênh truyền hình với logo cố định trên màn hình.
Một đặc điểm khác của màn hình OLED là có mức giá cao hơn đáng kể so với các loại TV khác trên thị trường.
Phần lớn TV hiện nay trên thị trường đều sử dụng công nghệ LCD; trong đó các nhà sản xuất thường sử dụng tấm nền màn hình IPS hoặc VA. Tấm nền IPS thường có góc nhìn tốt hơn, còn tấm nền VA thường có độ tương phản tốt hơn.
Đôi khi bạn bắt gặp nhiều mẫu TV được quảng cáo là TV LED, nhưng về cơ bản đó vẫn là TV LCD, khi các hãng sản xuất sử dụng một loạt đèn LED để làm đèn nền chiếu sáng cho lớp LCD của nó, thay vì sử dụng các điểm ảnh bằng đèn LED như công nghệ OLED.
Ưu điểm của màn hình TV LCD là giá rẻ, đa dạng mẫu mã để lựa chọn và có độ sáng tốt, nhưng nhược điểm là độ tương phản không cao và góc nhìn không tốt bằng màn hình OLED.
Một công nghệ phổ biến khác trên thị trường TV hiện nay là QLED. Về cơ bản, đây vẫn được xem là TV LCD khi cũng phải sử dụng đèn nền LED để chiếu sáng tấm màn hình LCD, nhưng công nghệ này dựa vào các chấm lượng tử để tạo ra các điểm ảnh trên màn hình, giúp hiển thị màu sắc sáng và rực rỡ hơn.
So với màn hình OLED thì màn hình QLED có lợi thế hơn về độ sáng vì sử dụng đèn nền riêng, nhưng màn hình OLED lại có lợi thế hơn khi hiển thị màu tối và độ tương phản cao hơn. Ngoài ra, màn hình OLED cũng tiết kiệm điện hơn so với màn hình QLED.
Về giá thành, TV màn hình QLED và OLED có giá tương đương nhau, trong khi màn hình LCD thường có giá thành thấp hơn. Tùy thuộc vào tài chính, bạn có thể lựa chọn mẫu TV với công nghệ phù hợp, nhưng nếu có kinh phí dư dả, OLED nên là sự lựa chọn ưu tiên, rồi đến QLED và LCD.
Cân nhắc đến những tính năng thông minh
Một chiếc TV hiện không đơn thuần là máy phát hình như cách đây hơn một chục năm, mà đã được tích hợp nhiều chức năng kết nối và thông minh, mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm giải trí và thư giãn.
Hiện smartTV đã trở nên phổ biến trên thị trường, nhưng mỗi hãng lại sử dụng một nền tảng khác nhau. Chẳng hạn, TV của Sony sử dụng nền tảng Android, Samsung sử dụng Tizen, LG sử dụng webOS, TCL và Hisense sử dụng Toku TV...
Thay vì mua smartTV có giá cao, người dùng có thể mua một TV thông thường rồi mua kèm thêm một TV Box để mang các tính năng thông minh lên sản phẩm.
Mỗi nền tảng TV đều có những ưu, nhược điểm khác nhau và khó có thể nói nền tảng nào vượt trội hơn nền tảng nào. Bạn nên chọn lựa những nền tảng nào có giao diện thân thiện, hỗ trợ nhiều ứng dụng (như Android hoặc Tizen) và có cách thức sử dụng không quá phức tạp, đặc biệt với những ai không quá rành về công nghệ.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, người dùng cũng có thể lựa chọn những mẫu TV thông thường, sau đó mua thêm những thiết bị TV Box để mang các tính năng kết nối thông minh lên TV, thay vì mua các mẫu smartTV với mức giá cao.
Lưu ý đến chế độ và các điều khoản bảo hành
Khi mua TV nói riêng và tất cả các thiết bị điện tử, công nghệ nói chung, một vấn đề mà người dùng cần quan tâm là chế độ và các điều khoản bảo hành. Tuổi thọ của các thiết bị công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như điều kiện thời tiết, nguồn điện thiếu ổn định… Do vậy, người dùng cần phải kiểm tra kỹ các điều khoản bảo hành khi mua TV, nhằm đảm bảo thiết bị sẽ được sửa chữa hoặc đổi trả trong trường hợp không may xảy ra sự cố trong quá trình sử dụng.
T.Thủy/dantri.com.vn