Sổ sức khỏe điện tử được thiết kế để người dân có thể chủ động đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, cập nhật các phản ứng sau tiêm cũng như chứng nhận tiêm chủng bản điện tử.
Từ ngày 10/7, nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn quốc đã được triển khai.
Nền tảng này bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Trong đó, toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Trên App Store, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã vượt qua nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để trở thành ứng dụng miễn phí phổ biến nhất.
Theo ghi nhận của Dân trí, tính đến tối 12/7, phần mềm Sổ sức khỏe điện tử đã đứng đầu bảng xếp hạng những ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên cả hai nền tảng di động iOS và Android. Thống kê từ kho ứng dụng CH Play cho thấy chỉ trong hai ngày phát hành, ứng dụng này đã đạt được hơn 100.000 lượt tải xuống.
Sổ sức khỏe điện tử được thiết kế để người dân có thể chủ động đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, cập nhật các phản ứng sau tiêm cũng như chứng nhận tiêm chủng bản điện tử.
Đây cũng được xem là giải pháp đơn giản và thuận tiện nhất hiện nay khi người dân muốn đăng ký tiêm vắc xin Covid-19. Vì thế, ứng dụng này đã nhanh chóng vượt nhiều nền tảng mạng xã hội phổ biến hàng đầu như Facebook, TikTok hay Zalo.
Sổ sức khỏe điện tử được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo thông tin từ Viettel, cơ sở dữ liệu của nền tảng sẽ được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Với ngành y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu.
Cơ sở dữ liệu của nền tảng sẽ được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - logistics… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 Quốc gia sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng. Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vắc xin cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số.
Thế Anh/dantri.com.vn