Cơ quan quản lý chỉ kiểm soát được nội dung quảng cáo, chưa có cách thu thuế từ nền tảng xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam
Chưa có nhiều quy định mới và thật sự mạnh tay trong hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới được quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 15-9 sắp tới.
Quy về một đầu mối
Tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao quản lý các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Điều này dẫn đến việc xây dựng, thực thi chính sách quản lý về quảng cáo xuyên biên giới trong thời gian qua thiếu thống nhất và đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là đầu mối quản lý và xử lý quảng cáo vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với Nghị định 70/2021/NĐ-CP, Bộ TT-TT chính thức trở thành đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến, trong đó có quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo thông tin liên hệ bằng phương thức trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, phương tiện điện tử với Bộ TT-TT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ này. Doanh nghiệp sẽ nhận được xác nhận thông báo sau 7 ngày.
Nghị định cũng nêu các nền tảng không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Luật An ninh mạng, Luật Sở hữu trí tuệ; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ TT-TT và phải có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ sản phẩm quảng cáo vi phạm.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation - Tập đoàn Truyền thông Lê, nhận xét Nghị định 70/2021/NĐ-CP đã quy định rõ ràng hơn về tính trách nhiệm trong xử lý vi phạm đối với quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, loại bỏ quảng cáo bẩn, quảng cáo ảnh hưởng đến trẻ em, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, chủ quyền quốc gia... trên các nền tảng này. "Việc cài đặt chế độ chạy quảng cáo tự động trên các nền tảng khiến việc kiểm soát không dễ dàng, nhiều nền tảng không có bộ lọc nội dung dẫn đến quảng cáo phản cảm tràn lan. Việc có thêm quy định kiểm soát nội dung quảng cáo là cần thiết" - ông Vinh nhìn nhận.
Trong khi đó, một chuyên gia về quảng cáo cho rằng nghị định chưa đưa ra quy định thật sự mới và mạnh mẽ trong việc siết quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới - hoạt động đang chiếm đến 82% thị phần quảng cáo tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định 181/2013/NĐ-CP đã từng quy định rõ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; thông báo bằng văn bản cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch các thông tin tên, địa chỉ, ngành nghề chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền... trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày... "Tuy không có nhiều quy định mới và chặt tay hơn song việc đưa về Bộ
TT-TT làm đầu mối quản lý có thể giúp tăng hiệu quả thực thi quy định, tạo sự thống nhất, đồng bộ cao hơn" - vị chuyên gia nhận định.
Chưa thu được thuế
Quy định đã có đủ song việc thực thi có thể sẽ gặp một số vướng mắc. Theo ông Lê Quốc Vinh, Nghị định 70/2021/NĐ-CP quy định rõ yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới trong vòng 24 giờ. Đây là khoảng thời gian thách thức bởi hàng loạt rào cản liên quan đến tiếp nhận thông tin, quy trình thông báo, hạ tầng kỹ thuật - công nghệ của cả bên quản lý lẫn phía nhà kinh doanh, chênh lệch về múi giờ và ngôn ngữ... "Liệu từ khi tiếp nhận thông báo đến khi tháo gỡ hoàn toàn quảng cáo bẩn, các bên có bảo đảm hoàn thành trong 24 giờ? Sau khi nghị định này ra đời, cần có thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các nền tảng xuyên biên giới và đại lý của họ tại Việt Nam để có cơ chế thực thi rõ ràng" - ông Vinh góp ý.
Vị chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chỉ ra một quy định còn lỏng lẻo hiện nay là việc kiểm soát và thu thuế của các nền tảng nước ngoài, nhất là khi các nền tảng này "ăn" đến hơn 80% trong tổng quy mô 830 triệu USD trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, theo số liệu năm 2019. Dù cơ quan quản lý khẳng định theo pháp luật về thuế, các "ông lớn" xuyên biên giới phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế, song không thể ép buộc nếu như họ không có chi nhánh tại Việt Nam và không phát sinh thu nhập ở nước sở tại. "Đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa thông qua hệ thống của họ, không cần thiết phải đặt chi nhánh, trụ sở tại nhiều nước. Nếu bắt buộc, họ cũng chỉ đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam song văn phòng đại diện sẽ không phát sinh thu nhập, không thể yêu cầu kê khai và nộp thuế" - ông Vinh chỉ rõ.
Một luật sư về thuế phân tích trong hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, đa phần công ty sở hữu nền tảng từ nước ngoài sẽ ký hợp đồng và ủy quyền cho đại lý quảng cáo của Việt Nam. Khi đó, chỉ đại lý Việt Nam phát sinh thu nhập từ hoạt động quảng cáo và nhà nước thu được thuế từ đây, còn nguồn thu từ "big tech" nước ngoài thì cơ quan thuế của Việt Nam không thể quản lý. Như vậy, quy định kê khai, thu thuế với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới hiện nay mới chỉ dừng lại ở "nắm người có tóc" là công ty quảng cáo trong nước. Chưa kể, không loại trừ khả năng đại lý quảng cáo trong nước sẽ tìm cách lách luật để trốn khoản thuế này, ví dụ thanh toán qua các phương tiện nằm ngoài hệ thống ngân hàng Việt Nam. "Rất tiếc, hiện vẫn chưa có cách khắc phục điều này vì không có quy định nào có thể ép buộc công ty công nghệ toàn cầu phải thành lập chi nhánh và ghi nhận doanh thu ở nước sở tại" - vị chuyên gia thuế nhận định.
Thùy Dương/nld.com.vn
https://nld.com.vn/cong-nghe/siet-quang-cao-xuyen-bien-gioi-khong-de-20210724205900834.htm