Năm 2021, vốn đầu tư rót vào startup tại Việt Nam tăng kỷ lục

Thứ 6, 31.12.2021 | 08:10:40
323 lượt xem

Trong bối cảnh ảm đạm do dịch bệnh Covid- 19, bức tranh CNTT Việt Nam năm 2021 có nhiều điểm sáng, chẳng hạn như vốn đầu tư rót vào startup tại Việt Nam tăng trưởng kỷ lục, đạt hơn 1,35 tỷ USD.

Ứng dụng công nghệ chống đại dịch Covid-19

Năm 2021, vốn đầu tư rót vào startup tại Việt Nam tăng kỷ lục - 1

Ứng dụng PC Covid.

Năm 2021 là năm thứ 2 đại dịch Covid19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong đại dịch đó, công nghệ vẫn đóng vai trò to lớn trong phòng chống Covid-19, như việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thống nhất, phát triển 1 ứng dụng phòng chống dịch duy nhất là PC-Covid.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, vận hành tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành và phòng chống dịch Covid, Thủ tướng Chính phủ- Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid đã giao Bộ TT&TT chỉ đạo, triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Sau đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu VNPT và Viettel phải thực hiện nhiệm vụ này thần tốc để đảm bảo kết nối đến 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay sau đó, Viettel, VNPT đã thực hiện chỉ trong 3 ngày gồm triển khai mạng lưới, thiết bị và hướng dẫn các tuyến xã, phường, thị trấn sử dụng. 

Chuyển đổi số Quốc gia mạnh mẽ

Năm 2021, điểm nhấn của bức tranh ICT Việt Nam đó là chuyển đổi số. Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Bản chiến lược này có vai trò quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới cho công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng của Việt Nam.

Với chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025 mới được phê duyệt, nội hàm khái niệm "Chính phủ số" cũng đã lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, được bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số.

Để phục vụ cho chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số, từ 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức được vận hành kết nối với các bộ, ngành, địa phương sẽ bảo mạng lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách.

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Dạy và học online trở thành vấn đề trọng tâm

Năm 2021 cũng là năm việc học online trở thành vấn đề trọng tâm trong đại dịch, Thủ tướng đã phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em', nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Các nội dung chính của chương trình bao gồm việc triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và triển khai học trực tuyến.

Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Lần đầu tiên triển khai thử nghiệm Mobile Money

Một trong những điểm nhấn năm 2021 trong bức tranh ICT Việt Nam đó chính là việc 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VNPT, MobiFone được cấp phép và triển khai thử nghiệm Mobile Money. Dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính… thông qua điện thoại di động.

Mobile Money là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với định hướng của Chính phủ. Với vùng phủ rộng của các thuê bao điện thoại di động, Mobile Money còn là công cụ hữu hiệu trong việc chuyển đổi số trong nền kinh tế số.

 Vốn đầu tư rót vào Startup tăng kỷ lục

Trong bối cảnh ảm đạm do dịch bệnh Covid 19 thì bức tranh ICT Việt Nam năm 2021 có khá nhiều điểm sáng khi vốn đầu tư rót vào startup tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng kỷ lục, đạt hơn 1,35 tỷ USD. Các lĩnh vực nóng bỏng thu hút nguồn vốn đổ vào là công nghệ tài chính (FinTech), Game Blockchain, Công nghệ giáo dục (edtech), Startup y tế - dược phẩm, thương mại điện tử…

Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, với 3 kỳ lân là VNG, VNLife, MoMo và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD như :Tiki, Topica Edtech... Những thương vụ đầu tư vào startup được thực hiện, gây ấn tượng mạnh với thị trường như: Tiki gọi vốn thành công như MoMo 300 triệu USD, Tiki 258 triệu USD, VNLife 250 triệu USD, Sky Mavis 152 triệu USD, Equest 100 triệu USD…

Ngày 30/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức sự kiện "Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2021". Nhà báo Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm CLB cho biết, bức tranh tranh ICT năm 2021 có nhiều gam màu sáng, tối được nhìn qua lăng kính khách quan của hơn 40 nhà báo theo dõi lĩnh vực này.

Dựa trên chấm điểm của các thành viên, Ban chủ nhiệm CLB đã tổng hợp chọn ra 10 sự kiện CNTT nổi bật trong năm 2021, có thể xem tại đây.

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, là nơi quy tụ những nhà báo đang hoạt động theo dõi lĩnh vực CNTT-TT của gần 40 cơ quan báo chí trong cả nước. Nhiều năm qua, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo lớn, gây được tiếng vang trong cộng đồng. Đây cũng là kênh thông tin để các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo khi hoạch định chính sách.


Bảo Trung/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-manh-so/nam-2021-von-dau-tu-rot-vao-startup-tai-viet-nam-tang-ky-luc-20211230131808339.htm

  • Từ khóa