Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2020, Cở sở chế biến dầu lạc Linh Khôi ( khu 1, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) đã thu mua hạt lạc của bà con trên địa bàn huyện để chế biến thành dầu lạc. Sản phẩm sản xuất ra không chỉ tạo đầu ra ổn định cho người trồng lạc mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và an toàn của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.
Những ngày đầu tháng 1/2022, có dịp đến Cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhân viên cơ sở đang khẩn trương thực hiện các công đoạn lấy hạt phơi khô, vận hành máy ép. Chị Dương Thị Liên, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Cây lạc được trồng nhiều trên địa bàn huyện Văn Lãng. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm từ cây lạc chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là người dân tự trồng, sơ chế và phơi khô theo dạng nguyên liệu thô (lạc nhân, lạc củ) bán cho các thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh.
Nhân viên cơ sở Linh Khôi chế biến dầu lạc
Với mong muốn giúp bà con tìm đầu ra ổn định cho cây lạc, cũng như nhận thấy tác dụng tốt cho sức khỏe con người của dầu lạc, từ tháng 5/2020, cơ sở chế biến đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để trang bị dụng cụ, máy móc hiện đại sản xuất dầu lạc (máy lọc, máy say, máy ép…) và thu mua hạt lạc của bà con trên địa bàn xã để chế biến sản phẩm dầu lạc.
Để có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến, cơ sở đã thu mua hạt lạc của người dân tại các xã trên địa bàn huyện như: Bắc Hùng, Hồng Thái,… Trong đó, nguyên liệu chính để sản xuất dầu lạc là lạc nhân với giá bình quân 40.000 đồng/kg lạc trắng và 70.000 đồng/kg lạc đỏ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, cơ sở đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số hộ trên địa bàn huyện, thời gian tới, cơ sở tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm lạc củ với hộ dân ở các xã khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cở sở đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, nhãn mác bao bì, tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm.
Anh Hoàng Long Thiên, thôn Bản Nhùng, xã Hồng Thái phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi trồng được 2 mẫu lạc, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2 tấn lạc. Trước đây, việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Năm 2020, gia đình được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi, tôi yên tâm về đầu ra, mỗi vụ lạc tôi thu về hơn 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay (5/2020), cơ sở đã thu mua trên 20 tấn lạc nhân của người dân trên địa bàn huyện. Theo đó, đã có trên 8.000 lít dầu lạc được sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, doanh thu cơ sở chế biến đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi mới đi vào hoạt động nhưng đã bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn. Đến tháng 12/2021, sản phẩm dầu lạc Linh Khôi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Nhờ phát huy thế mạnh của địa phương cùng với quan tâm áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, hiện nay, sản phẩm dầu lạc đã dần khẳng định được chất lượng đối với người tiêu dùng. Vì thế, sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó, sản phẩm không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn được khách hàng ngoài tỉnh tìm mua và sử dụng. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc Linh Khôi chủ yếu được bán trên các kênh như: Zalo, Facebook,Voso.vn,…
Chị Bùi Thị Phương Hiền, thành phố Bắc Giang chia sẻ: Sau khi trực tiếp tới tham quan cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi tôi hoàn toàn an tâm và tin tưởng về chất lượng của sản phẩm. Cứ 3 tháng tôi lại đặt mua từ 10 đến 20 lít dầu lạc với giá 130.000 đồng/lít để sử dụng và làm quà cho người thân, đồng nghiệp.
Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm dầu lạc đến các cửa hàng, đại lý, siêu thị và trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hơn để áp dụng vào sản xuất, chế biến.
MAI LINH - KIM HUYÊN/baolangson.vn