Tháo bỏ màn hình Macbook đang trở thành trào lưu ở nhiều nước sau khi nhiều người dùng Trung Quốc mua Macbook hỏng màn hình thay cho máy tính để bàn
"Macbook tháo màn hình đang trở thành trào lưu mới được chia sẻ khắp mạng xã hội Twitter và được thảo luận sôi nổi trên Reddit những ngày qua" - trang tin công nghệ Mỹ The Verge bình luận.
Trào lưu này nở rộ từ việc nhiều người dùng Trung Quốc thu mua Macbook hỏng màn hình, rồi gắn thêm màn hình rời và dùng làm máy tính để bàn vì giá rẻ và có sẵn bàn phím, bàn di chuột, loa ngoài. Trào lưu tháo bỏ màn hình Macbook cũng đến từ tin đồn gã khổng lồ Apple sẽ cho ra đời một máy tính nằm gọn trong bàn phím.
"Thay vì mua Mac Studio, nhiều người chọn tháo màn hình MacBook để dùng như một chiếc ‘slabtop’ nhằm tìm kiếm những trải nghiệm mới" - cây viết công nghệ Umar Shakir của The Verge, nhận định.
Một chiếc macbook cũ được tháo rời màn hình để lắp vào màn hình lớn. Ảnh: Grayson Blackmon
Không chỉ đem lại sự trải nghiệm thú vị, vì khi tháo màn hình những chiếc Macbook sẽ được dùng tương tự như những chiếc PC đời cổ của Apple.
"Mọi người tò mò nên hỏi rất nhiều khi thấy chiếc Macbook Air M1 không màn hình của tôi trong một bữa tiệc. Có người hỏi đây là cái gì, người khác thắc mắc liệu có phải Macbook mới trình làng? Số khác cho rằng Macbook của đã tôi bị hỏng màn hình" - anh Umar Shakir vui vẻ kể về sự trải nghiệm của mình.
Chiếc Macbook Air M1 tháo màn hình được anh Umar Shakir gọi là "slabtop" - giờ hoạt động như một máy tính độc lập, tương tự Apple II và Commodore 64. Tuy nhiên, "thiết kế mới" chạy chip M1, có bàn di chuột, pin "trâu hơn" và có AirPlay.
Ưu điểm của Macbook khi tháo màn hình là có thể dễ dàng kết nối không dây với TV thông qua bàn phím, sau đó thoải mái vui chơi với bạn bè mà không cần gập màn hình hay lo lắng ai đó đụng phải màn hình của mình.
Điều thú vị khác là nếu không có kết nối không dây, những chiếc Macbook tháo màn hình vẫn có thể kết nối mạng qua giắc cắm Ethernet, chỉ những model đời mới về sau mới thiếu cổng kết nối này.
Việc tháo màn hình Macbook cũng không quá phức tạp, có thể thực hiện được tại nhà thông qua hướng dẫn chi tiết trên các diễn đàn công nghệ. Sau khi tháo màn hình, người dùng sẽ cảm nhận được độ nhẹ bất ngờ của MacBook. Vì thế, nhiều người tin một ngày nào đó hãng Apple sẽ trình làng những chiếc máy tính đời mới không màn hình.
"Tôi rất thích chiếc Macbook đã tháo màn hình hiện tại. Tôi có thể đem nó đi khắp nơi và nhận về những ánh nhìn ngạc nhiên của những người xung quanh, cảm giác rất thú vị" - anh Umar Shakir quả quyết và cho biết không có ý định lắp lại màn hình vì sử dụng nó không khác gì một chiếc Mac Studio với giá cả phải chăng.
Tuy vậy, ngoài kiểu dáng nhỏ gọn và linh hoạt sau khi tháo màn hình, người dùng Macbook sẽ mất đi một số tính năng như không thể nhìn thấy màn hình để sửa chữa trong trường hợp máy bị lỗi phần mềm. Hơn nữa, muốn kết nối không dây với TV, người dùng cần kết nối với màn hình bằng dây cáp trước khi chuyển qua trình điều khiển AirPlay. Một chiếc "slabtop" cũng không còn webcam nên không thể thực hiện các cuộc gọi video như bình thường.
Chưa hết, một số mẫu Macbook Pro từ 2008 - 2010 cũng sẽ mất khả năng kết nối Wi-Fi vì AirPort và ăng-ten được đặt trong bản lề màn hình. Hạn chế nữa của MacBook tháo màn hình là không thể dễ dàng mang nó trong ba lô vì bất kỳ phím nào được nhấn sẽ vô tình bật nguồn trong quá trình vận chuyển.
Tại Việt Nam, trào lưu tháo rời màn hình Macbook cũng đang nở rộ trong giới công nghệ. Những người sử dụng Macbook bị hư màn hình thay vì bỏ ra hàng chục triệu đồng để thay nguyên cụm màn hình mới, họ quyết định thảo bỏ màn hình rồi kết nối phần còn lại vào desktop để có một chiếc máy tính bàn mạnh mẽ. Một số khác tìm mua Macbook cũ, hư hỏng để "tái chế" thành máy tính để bàn với chi phí chỉ vài triệu đồng thay vì tốn vài chục triệu đồng để sắm một chiếc Macbook mới.
Cũng từ trào lưu này, nhiều cửa hàng còn mở thêm dịch vụ thu mua xác Macbook hư hỏng với giá chỉ vài triệu đồng, rồi tân trang thành máy tính bàn bán kiếm lời. Tr.Nguyễn
Bằng Hưng/nld.com.vn