Startup chỉ có ý tưởng là chưa đủ. Rõ ràng vẫn cần nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc thực thi - thực chiến, cũng như quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp.
Ngày 17/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Thăm khám sức khỏe startup - Bạn đang ở đâu trong vòng đời tăng trưởng".
Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Viet Solutions 2022", do Bộ TT&TT phát động trước đó.
Công nghệ phải đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn
Các diễn giả thảo luận tại buổi workshop có chủ đề "Thăm khám sức khỏe startup - Bạn đang ở đâu trong vòng đời tăng trưởng". (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Mạnh Tấn, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết trải qua 3 mùa thi, Viet Solution đã trở thành một sân chơi uy tín, hữu ích, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp startup Việt Nam.
Nối tiếp thành công của 3 mùa trước, Viet Solutions 2022 đã khẩn trương khởi động với thông điệp "Vững vàng cuộc chiến, sẵn sàng thành công" với việc mang lại nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, ý nghĩa ở đa dạng các lĩnh vực. Một trong những điểm mới của cuộc thi năm nay, đó là sẽ tổ chức 3 buổi hội thảo dạng workshop tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Theo ông Tấn, đây là "cơ hội vàng" để các startup tham gia có thêm tư trang và cơ hội để trao đổi với các thành viên ban giám khảo.
Trong buổi giao lưu diễn ra tại Hà Nội, các diễn giả đại diện cho startup, doanh nghiệp trong nước đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cũng như trải lòng về chặng đường thành lập, phát triển ý tưởng với nhiều điểm nhấn thăng trầm. Mỗi câu chuyện là một bài học đắt giá giúp nhà khởi nghiệp "vỡ lẽ": startup chỉ có ý tưởng là chưa đủ, cần nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc thực thi - thực chiến, quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Duy, Chủ tịch liên minh Metaverse cho rằng một trong những bước đi sai lầm của startup non trẻ đó là tập trung quá nhiều vào đột phá công nghệ để tạo điểm nhấn. Trong khi đó, công nghệ có đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khách hàng hay không thì lại chưa biết.
"Đây là một "bệnh" mà tôi cũng từng mắc phải. Sau này, tôi nhận thấy khi đưa một công nghệ mới vào, nó phải giúp giải quyết được một bài toán, một nhu cầu thực tiễn nào đó cho thị trường. Cho tới lúc này, giá trị của công nghệ mới được thể hiện", ông Duy chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Duy, Chủ tịch liên minh Metaverse nói về những khó khăn và chia sẻ những kinh nghiệm dành cho startup trong giai đoạn đầu (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, thì cho biết ngày nay làm startup không khó, nhưng việc tìm được một đối tác "cùng chung chí hướng" và bắt tay để đi đến thành công lại là cả một chặng đường gian nan.
"Nếu lựa chọn không kỹ càng, thì có đến 80 - 90% những mối quan hệ hợp tác là không như mong đợi. Lúc bắt đầu thì giống như 'đôi chim uyên ương', rất thân thiết với nhau, nhưng cuối cùng vẫn chia tay", ông Vinh đánh giá.
Nhân sự và nguồn vốn
Nói về những khó khăn trong khâu hợp tác và chuyển dụng, bà Trần Mai Anh - Nhà sáng lập quỹ "Thiện Nhân và Những người bạn" cho rằng đúng là tìm người tài vốn đã rất khó, nhưng trong một số lĩnh vực đặc thù như ngành cộng đồng, thì điều này thậm chí còn khó hơn gấp bội.
Đồng quan điểm nêu trên, bà Phạm Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình Viettel Telecom cho rằng: "Ai cũng nghĩ có rất nhiều nhân sự ngoài kia giỏi về công nghệ. Nhưng đến khi đi tìm lại không thấy ai cả".
"Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp lớn như Viettel, đôi khi vẫn phải cạnh tranh nhân sự với các startup bên ngoài, cũng như liên tục đưa ra các cơ chế linh hoạt để tuyển mộ nhân tài", bà Phương chia sẻ.
Bà Phạm Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình Viettel Telecom trao đổi cùng các diễn giả tại buổi hội thảo (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Câu chuyện về vốn đầu tư cũng là một vấn đề nan giải với nhiều startup non trẻ. Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thế Duy đánh giá "mô hình đầu tư" burning để tăng trưởng là không phù hợp với những startup nhỏ. Thay vào đó, các doanh nghiệp này nên hướng đến việc kiếm được doanh thu trước, rồi mới kêu gọi vốn.
"Phải tự nuôi được mình, thì khi gọi vốn, người ta mới dễ "deal", ông Duy chia sẻ. "Về sau khi số vốn được nâng lên, thì mô hình đó cũng phát triển và tự nuôi sống chính nó".
Ngoài ra, ông Duy cũng cho rằng startup nếu như không có các mentor "chỉ lối", thì nên đặc biệt chú ý về vấn đề tài chính, như tối ưu hóa chi phí, cũng như các khoản đầu tư cho nhân sự, xây dựng platform... vì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình gọi vốn sau này của doanh nghiệp.
Ngày 22/07/2022 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức công bố mùa giải thứ 4 - Viet Solutions 2022 - cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong mùa giải năm 2022, lần đầu tiên, Viet Solutions mở rộng đối tượng tham gia dự thi bao gồm cả những dự án startup về cộng đồng, bên cạnh những giải pháp về công nghệ. Bên cạnh đó, ngoài mục tiêu tìm kiếm những giải pháp đột phá về ý tưởng, mùa giải năm nay sẽ chú trọng hơn đến tính thực chiến, tập trung giải quyết vấn đề khó khăn trong hoạt động vận hành thực tiễn của startup. |
Theo dantri.com.vn