Phải đến ngày 7/9, Apple mới trình làng loạt iPhone 14, tuy nhiên, hàng nhái với thiết kế giống hệt như iPhone 14 Pro Max đã được bán công khai tại Trung Quốc.
iPhone thế hệ mới của Apple luôn là một trong những dòng smartphone được trông đợi nhất trong năm. Giới công nghệ lẫn những ai yêu thích Apple đều háo hức chờ đợi xem phiên bản iPhone mới sẽ có những sự thay đổi nào về thiết kế, tính năng cũng như cấu hình…
Các thông tin về iPhone 14 hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức tin đồn, các hình ảnh hoặc video bị rò rỉ… trên mạng xã hội và Internet. Tuy nhiên, chỉ cần dựa vào những thông tin này, các hãng sản xuất smartphone tại Trung Quốc đã bắt tay vào làm nhái iPhone 14 Pro Max và bán sản phẩm ra thị trường, trước cả khi hàng thật được chính thức giới thiệu.
Kênh Youtube Amazing Unboxing đã đặt mua những chiếc iPhone 14 Pro Max nhái tại Trung Quốc để trải nghiệm sớm sản phẩm.
Viền màn hình trên iPhone 14 Pro Max nhái dày và thô (Ảnh cắt từ clip).
iPhone 14 Pro Max nhái được đóng gói giống với một chiếc iPhone thật, khiến những người không quá tinh tường rất có thể bị nhầm lẫn đây là sản phẩm thực sự của Apple.
Sản phẩm nhái có thiết kế giống với các hình ảnh bị rò rỉ của sản phẩm, với màn hình "tai thỏ" được thay thế bằng màn hình dạng "viên thuốc". Tuy nhiên, phần khuyết dạng "viên thuốc" trên màn hình này chỉ được bố trí camera trước chứ không có cảm biến Face ID như trên iPhone "xịn".
Điểm khác biệt dễ nhận biết giữa hàng nhái và hàng thật đó là viền màn hình khá dày và phần cằm phía dưới màn hình rất thô, không được mỏng như trên iPhone thực sự. Điều này là dễ hiểu khi các sản phẩm làm nhái không thể được thiết kế và sản xuất tinh xảo như hàng thật.
Mặt sau của sản phẩm vẫn là sự hiện diện của logo "táo khuyết", cụm 3 camera kích thước lớn. Mặt lưng của sản phẩm nhái chỉ sử dụng chất liệu nhựa, thay vì mặt kính cường lực như các mẫu smartphone cao cấp.
Cụm camera ở mặt sau có thiết kế sơ sài (Ảnh cắt từ clip).
Chiếc iPhone 14 Pro Max nhái hoạt động trên nền tảng Android, nhưng giao diện được thiết kế lại giống hệt nền tảng iOS của Apple. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy sản phẩm hoạt động rất chậm, giật lag và không hề mượt mà, điều này cho thấy chiếc iPhone nhái được trang bị một cấu hình yếu, chứ chưa đến mức tầm trung.
Đặc biệt, nền tảng phần mềm trên các mẫu smartphone nhái này thường không được nâng cấp sau khi xuất xưởng, do vậy người dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ về bảo mật khi sử dụng sản phẩm.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm công nghệ nhái xuất hiện tại thị trường Trung Quốc trước khi sản phẩm thực sự được công bố.
Trước đó, hầu như tất cả các hãng smartphone lớn đều trở thành "nạn nhân" của các hãng điện thoại Trung Quốc, bao gồm sản phẩm của Apple, Samsung hay Sony… Cách thức được các hãng smartphone Trung Quốc áp dụng đó là dựa vào tin đồn và hình ảnh của các sản phẩm "bom tấn" bị rò rỉ trên Internet để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh, trước khi những sản phẩm thực sự ra mắt, như một cách để "đón đầu".
Dù làm nhái một cách trắng trợn và khả năng hoàn thiện kém, nhưng những mẫu smartphone này vẫn rất được yêu thích tại thị trường Trung Quốc, do có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với những smartphone "bom tấn" thực sự.
T.Thủy/dantri.com.vn