Sau sự kiện "The Merge", giá Ethereum đã sụt giảm khoảng 15%. Mức giảm này nhiều hơn đáng kể so với Bitcoin trong cùng chu kỳ.
"The Merge" được đánh giá là một bản cập nhật quan trọng đối với mạng lưới blockchain của Ethereum, thay đổi cơ thế xác thực cho các giao dịch từ proof-of-work (bằng chứng công việc) sang proof-of-stake (cơ chế đồng thuận).
Giá Ethereum liên tục giảm sau sự kiện "The Merge" (Ảnh: CNBC).
Những người ủng hộ tin rằng điều này sẽ giúp cho việc xác thực các giao dịch trên mạng lưới của Ethereum trở nên nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn đáng kể so với trước đây.
Mạng lưới blockchain của Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng nhiều ứng dụng trên đó một cách hiệu quả. Vì thế, bản nâng cấp trên nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người tham gia thị trường.
Dù vậy, bất chấp quá trình nâng cấp đã diễn ra thành công, mức giá của đồng Ethereum vẫn liên tục lao dốc và giảm mạnh hơn cả Bitcoin. Theo CNBC, kể từ thời điểm bản cập nhật hoàn thành vào ngày 15/9 đến nay, mức giá của Ethereum đã giảm khoảng 15%. Trong khi đó, Bitcoin chỉ giảm khoảng 3% trong cùng chu kỳ.
Trước khi nâng cấp mạng, giá Ethereum đã tăng gần gấp đôi so với mức thấp nhất trong năm vào tháng 6. Thậm chí, mức tăng trưởng này còn vượt xa Bitcoin ở thời điểm đó.
"Sự kiện hợp nhất đã định giá cho Ethereum. Các nhà đầu tư đang dần chuyển sang Bitcoin với kỳ vọng đồng tiền điện tử này sẽ có hiệu suất tốt hơn trong vài tháng tới", Vijay Ayyar, phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp và quốc tế của sàn giao dịch tiền điện tử Luno, nhận định.
Theo CNBC, các nhà đầu tư cũng đang tự hỏi liệu vị thế pháp lý của Ethereum có thể thay đổi sau sự kiện "The Merge" hay không.
"Đối với Ethereum, có một mối lo ngại khác là tiền điện tử xác thực theo cơ chế đồng thuận có thể nằm dưới sự giám sát của SEC", Yuya Hasegawa, chuyên gia tại sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản Bitbank, chia sẻ.
Một yếu tố khác cũng được cho có tác động đến giá Ethereum là việc các nhà đầu tư tiền điện tử đang trước xu hướng tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần này.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát tràn lan. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các loại tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu và tiền điện tử.
Tình trạng lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo tiền điện tử (Ảnh: CNBC).
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 (CPI) tại Mỹ đã cao hơn so với dự kiến. Điều này cho thấy lạm phát đã tăng so với tháng trước, bất chấp giá xăng dầu đang giảm.
"Từ góc độ vĩ mô, lạm phát đã tăng cao hơn và gây ra tình trạng bán tháo trên tất cả các thị trường. Tuy nhiên, Ethereum và nhiều đồng tiền điện tử khác đã bị bán tháo mạnh hơn, do chúng nằm trong loại tài sản rủi ro cao", Ayyar nói.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, tính đến đêm 20/9, giá Bitcoin dao động quanh mức 19.055 USD. Trong khi đó, Ethereum được giao dịch với mức giá khoảng 1.356 USD. Ayyar cho biết nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới 18.000 USD, đồng tiền điện tử này có thể giảm xuống mức thấp nhất là 14.000 USD và kéo cả thị trường đi xuống.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/gia-ethereum-lao-doc-sau-su-kien-the-merge-20220920225841168.htm