Đây là cơ hội cho các nhà khoa học, bác sĩ, người làm trong ngành y và tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối để hình thành nhiều dự án, sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế.
Diễn đàn được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ - Thông tin truyền thông (KHCN-TTTT) Hàn Quốc...
Tại diễn đàn, các diễn giả đến từ Việt Nam và Hàn Quốc là những nhà quản lý, khoa học, bác sĩ đã có nhiều bài tham luận tập trung vào các vấn đề y tế và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế như: Định hướng sức khỏe số của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và hợp tác nghiên cứu AI trong y tế phục vụ chăm sóc bệnh nhân tiểu đường và ung thư; định hướng sức khỏe số của Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam và hợp tác nghiên cứu AI trong y tế phục vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư và ung thư tuyến giáp trực tuyến; đổi mới chăm sóc sức khỏe thông qua AI: Tầm soát ung thư hiệu quả và chính xác; giải pháp AI cho chụp hình cơ xương và kiểm tra tăng trưởng ở trẻ em; nền tảng dịch vụ con người kỹ thuật số R2MIX…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân có bước phát triển quan trọng. Đặc biệt với sự phát triển của AI, công nghệ dữ liệu lớn, toàn bộ tri thức của nhân loại trong lĩnh vực Y khoa được tổng hợp lại. Các dữ liệu này được phân tích dựa trên thuật toán tạo ra công cụ hỗ trợ bác sĩ, nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đánh giá Oxford Insights (Vương quốc Anh) tại báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ”, năm 2022 Việt Nam xếp hạng thứ 55 trên toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 6/10 trong ASEAN.
Quang cảnh diễn đàn. |
Ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng Bộ KHCN-TTTT Hàn Quốc chia sẻ tại diễn đàn: Chiến lược AI quốc gia của Hàn Quốc được công bố tháng 12-2019 và đẩy mạnh triển khai trong năm 2020 cùng với sự ra đời của chính sách kinh tế số mới. Theo chiến lược, Chính phủ Hàn Quốc tập trung hỗ trợ những lĩnh vực Hàn Quốc có thể dẫn đầu so với các nước trên thế giới, phát triển AI đặt trọng tâm vào con người, thay vì chỉ dừng lại ở chiến lược công nghệ, công nghiệp đơn thuần. Để thực hiện chiến lược, Chính phủ Hàn Quốc đề ra tầm nhìn “Vượt khỏi cường quốc CNTT, trở thành cường quốc AI”. Mục tiêu cốt lõi của chiến lược là xây dựng hệ sinh thái đổi mới năng lực cạnh tranh AI; sử dụng toàn diện AI; lấy con người làm trung tâm - hài hòa và cùng tồn tại với AI.
Trong khuôn khổ của diễn đàn còn diễn ra triển lãm các công nghệ, giải pháp AI liên quan đến sức khỏe, y tế và kết nối B2B (kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Trước thềm khai mạc diễn đàn đã diễn ra cuộc gặp và tiếp xã giao giữa Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Bùi Thế Duy và Thứ trưởng Bộ KHCN-TTTT Hàn Quốc Park Yun Kyu. Tại buổi tiếp, hai bên đã chia sẻ một số thông tin về chiến lược, định hướng phát triển AI của Việt Nam và Hàn Quốc. Theo đó, hai bên nhận thấy, quan điểm của hai Chính phủ khi tiếp cận chiến lược phát triển AI có nhiều điểm tương đồng. Đó là vấn đề nâng cao nhận thức và phổ cập AI trong dân chúng; vấn đề đạo đức, nguyên tắc, trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu AI; hiện thực hóa AI lấy con người làm trung tâm...
THU HIỀN