Vấn nạn lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube đang diễn ra ngày càng phức tạp. Người dùng cần hết sức cảnh giác để không mắc bẫy của kẻ gian.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, thời gian gần đây, nền tảng mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều bài đăng quảng cáo với các hình ảnh và nội dung gây sốc, nhằm mục đích lừa đảo người xem.
Kẻ gian chạy quảng cáo các bài đăng lừa đảo trên nhiều fanpage khác nhau (Ảnh chụp màn hình).
Cụ thể, những đối tượng lừa đảo đã tạo ra các fanpage và đặt tên giống với một số tờ báo hoặc fanpage nổi tiếng khác trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý. Nếu chỉ xem qua, người dùng hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn.
Tiếp theo, đối tượng lừa đảo sẽ chạy quảng cáo một số bài viết trên các fanpage này. Những bài viết đó thường chứa thông tin về việc giảm giá các sản phẩm như tai nghe, đồng hồ hoặc nước hoa. Bài viết cũng đính kèm với đường link để người dùng điền thông tin và đăng ký mua hàng.
Tuy vậy, đây hoàn toàn là các thông tin giả mạo. Những đường link đính kèm trong bài viết cũng dẫn đến các trang web lừa đảo, có giao diện được thiết kế giống với trang web thật.
Để tăng thêm mức độ uy tín, những đối tượng lừa đảo còn đăng kèm rất nhiều đánh giá tốt về sản phẩm ở phần bình luận của mỗi bài viết. Đây đều là những bình luận chim mồi, nhằm đánh lừa người xem.
"Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều fanpage rác khác nhau để đánh lừa người xem. Nếu chỉ nhìn vào lượt thích hay bình luận của các bài đăng, người dùng hoàn toàn có thể rơi vào bẫy của kẻ gian", ông Đức Thành, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực Digital Marketing, chia sẻ.
Những bình luận giả được kẻ gian đăng tải nhằm đánh lừa người xem (Ảnh chụp màn hình).
Cũng theo ông Thành, người dùng tuyệt đối không truy cập vào những đường link đính kèm các bài đăng trên. Chúng có thể dẫn tới các trang web độc hại và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Các vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng phức tạp trên môi trường số. Trong đó, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok được xem là nơi mà nhiều đối tượng tìm kiếm nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo.
Thế Anh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/quang-cao-lua-dao-tran-lan-facebook-20230823222454475.htm