Người "bùng cước" Internet từ nay sẽ không thể đăng ký thuê bao mới ở các nhà cung cấp dịch vụ khác do đã có cơ sở dữ liệu chung về khách hàng "nợ xấu".
Dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đại diện 10 doanh nghiệp lớn đã cùng nhau ký kết thỏa thuận về việc từ chối cung cấp dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước truy nhập Internet ADSL/FTTH.
Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường viễn thông Internet Việt Nam thời gian qua thường xuyên chứng kiến cảnh người dùng "bùng cước". Nguyên nhân sâu xa là do từng có thời kỳ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bán dịch vụ dưới giá thành nhằm thu hút người dùng mới.
Thực trạng này dẫn đến việc có một bộ phận người dùng Internet bỏ ngang gói cước đang sử dụng trong khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, sau đó đăng ký gói cước mới của nhà mạng khác với ưu đãi tốt hơn để hưởng lợi.
Do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau và chưa có cơ chế phối hợp, trước đây các nhà cung cấp dịch vụ Internet không thể giải quyết câu chuyện này.
Kỹ thuật viên đang thi công cáp viễn thông.
Trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thỏa thuận về việc từ chối cung cấp dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước được ký kết trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ ADSL/FTTH tới các hộ gia đình.
"Khi các doanh nghiệp phát triển thuê bao, họ gặp vấn đề về thuê bao nợ cước, sau đó chuyển sang nhà mạng khác sử dụng, mà không có chế tài cụ thể với các thuê bao đó. Đây cũng là nội dung cần thực hiện nghiêm túc để các thuê bao có trách nhiệm trong quá trình sử dụng dịch vụ viễn thông", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ.
Theo ông Nhã, thỏa thuận vừa được thiết lập sẽ cung cấp một cơ sở dữ liệu thuê bao nợ cước để các doanh nghiệp viễn thông có thể cùng truy vấn, đồng thời không phát triển thuê bao mới trên tập danh sách khách hàng có dấu hiệu "bùng nợ".
Thông tin về tập khách hàng nợ cước không thể chia sẻ song phương mà cần có cam kết đa phương. Đây là lý do dẫn đến phải có sự thỏa thuận, cam kết giữa các doanh nghiệp, dưới sự chứng kiến của cơ quan quản lý là Cục Viễn thông.
"Để xử lý dứt điểm tình trạng thuê bao bùng cước, các doanh nghiệp cần truyền thông tới người sử dụng, đồng thời thực hiện nghiêm túc cam kết của mình, khi phát hiện thuê bao nợ cước, kiên quyết không phát triển thuê bao mới trong tập khách hàng này", ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, thỏa thuận vừa ký kết sẽ đảm bảo người sử dụng dịch vụ viễn thông phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hợp đồng đã ký với các nhà mạng. Đối với nhà mạng, họ sẽ không bị thất thoát doanh thu do tình trạng khách hàng bùng, nợ cước.
Cáp viễn thông chằng chịt, lộ thiên gây mất mỹ quan đô thị (Ảnh: Anh Nguyễn).
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của sự kiện này đối với thị trường viễn thông, ông Nhã cho rằng, động thái trên đảm bảo khi thuê bao chuyển sang nhà mạng khác, các sợi cáp nối tới thuê bao đó không còn là rác thải trên trời. Điều này sẽ làm cho hạ tầng viễn thông Việt Nam được gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo nhà mạng có cơ hội phát triển thuê bao, cung cấp thêm dịch vụ mới.
Cục Viễn thông khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông còn lại chủ động tham gia vào cam kết này. Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã hy vọng, sau thời gian thử nghiệm, tỷ lệ nợ xấu của các nhà mạng sẽ giảm xuống, chất lượng đường truyền FTTH tăng lên và các doanh nghiệp có thêm nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền FTTH.
Ông Phan Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận vừa được ký kết giữa các doanh nghiệp về việc từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng nợ cước".
Thỏa thuận này thể hiện trách nhiệm của các nhà mạng trong việc chống thất thu cước viễn thông Internet. Khi được thực thi, thỏa thuận sẽ đảm bảo thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ.
Theo ông Việt, tới đây, các doanh nghiệp viễn thông sẽ cùng nhau xây dựng hệ thống các quy trình, cơ sở dữ liệu chung về truy vấn khách hàng để đảm bảo tính bảo mật. Hoạt động này cần tới sự giám sát của Cục Viễn thông với các nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính công bằng.
Theo dantri.com.vn