Các nền tảng xuyên biên giới không chỉ là "cái ổ" phát tán thông tin xấu, độc mà còn gây thất thu thuế cho nhà nước
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cơ quan quản lý phải tìm ra những cách đấu tranh kiểu mới với các nền tảng xuyên biên giới. Trong đó, ngoài đấu tranh về nội dung còn cần đấu tranh về mặt kinh tế, truyền thông.
Ngăn nội dung xấu, độc
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đơn vị đã điều chỉnh một số giải pháp nhằm ngăn nội dung xấu, độc trên các nền tảng xuyên biên giới. Nổi bật là liên tục tạo sức ép để Facebook, YouTube, TikTok gỡ bỏ thông tin vi phạm, không thể né tránh thực hiện.
Bộ TT-TT cũng lần đầu triển khai quy trình xử lý nội dung xấu, độc với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Thay vì làm thủ công, các nền tảng phải sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét nội dung dựa trên mẫu do Bộ TT-TT gửi.
Báo cáo cho thấy trong nửa đầu năm 2023, Facebook đã gỡ 484 Fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; 72 tài khoản quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; 2.444 link về các dịch vụ bất hợp pháp. YouTube đã gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí; hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm bằng thuật toán tự động...
Các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, TikTok... đang hoạt động ở Việt Nam với doanh thu rất lớn song đóng thuế chưa đúng, đủ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại một hội nghị của Bộ TT-TT mới đây, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nhận định các nền tảng xuyên biên giới hiện là "cái ổ" phát tán các luồng thông tin xấu, độc. Thách thức đối với cơ quan quản lý là phải tìm ra những cách đấu tranh kiểu mới để đạt mục tiêu. "Để đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới, cần có hậu thuẫn lớn, kết hợp nhiều lĩnh vực và đồng bộ với nhau" - ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận.
Cụ thể, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết cơ quan quản lý đã sử dụng giải pháp kinh tế để gây áp lực, đạt được hiệu quả về mặt xử lý nội dung với nền tảng vi phạm. Đồng thời, dùng truyền thông gây sức ép để thực hiện giải pháp về pháp lý, nội dung, kỹ thuật. Dẫn chứng, ông cho biết cơ quan chức năng đã triển khai cuộc kiểm tra TikTok tại Việt Nam với sự tham gia của 5 bộ, ban, ngành. "Lần đầu tiên chúng ta buộc một nền tảng xuyên biên giới phải ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể" - ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Ngăn chặn thất thu thuế
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023 là tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ xuyên biên giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft... đã nộp gần 4.000 tỉ đồng tiền thuế. Trước đó, năm 2022, khối doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới nộp gần 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, số thuế này chưa phản ánh đúng, đủ hiện trạng kinh doanh thực tế của các "ông lớn" công nghệ.
Chỉ riêng mảng thương mại điện tử, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn - gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix và Apple - đã chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam. Ở mảng quảng cáo số, theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu trên các nền tảng như Facebook, YouTube và TikTok trong năm 2022 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, tương đương 80.000 tỉ đồng.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương công bố cũng cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hằng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 57,6%. Cả nước có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước khoảng 300-320 USD.
Trong xu hướng này, thị trường chứng kiến sự phát triển nhảy vọt của các nền tảng xuyên biên giới với doanh thu vượt trội. Đơn cử, TikTok Shop đã vượt qua các "ông lớn" khác để trở thành nền tảng có doanh thu lớn thứ 2 trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Theo ThS Trần Thị Quyên, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, giải pháp chống thất thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới là thay đổi công cụ quản lý thuế và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các nền tảng, người sử dụng nền tảng để kinh doanh... có thể thực hiện nghĩa vụ của mình dễ dàng trên các kênh trực tuyến. Đồng thời, hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế theo hướng tăng cường trách nhiệm của các nền tảng này...
Đẩy mạnh chuyển đổi số
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng để chống thất thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới, cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, có đầy đủ cơ sở dữ liệu số để việc quản lý thuế dễ dàng, hiệu quả.
"Đầu tư cho công nghệ quản lý thông tin thuế và chia sẻ các hệ thống dữ liệu dùng chung là rất cần thiết. Cơ quan thuế cũng cần phải ứng dụng mạnh hơn những công nghệ tự động" - GS-TS Hoàng Văn Cường góp ý.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/khoa-hoc/tim-cach-quan-ly-nen-tang-xuyen-bien-gioi-20230916220528202.htm