Các cuộc tấn công mạng đang không chỉ gia tăng về số lượng, tần suất, mà ngày càng nguy hiểm hơn.
Bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hacker (Ảnh minh họa: Getty).
Nhận định trên được đưa ra tại sự kiện "Định hình bối cảnh an ninh mạng trong tương lai" diễn ra ngày 24/10 tại Hà Nội. Sự kiện do công ty Netpoleon tổ chức, là một trong các diễn đàn lớn trong khu vực về lĩnh vực an ninh mạng.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia từ các hãng bảo mật lớn trong và ngoài nước để chia sẻ những chiến lược mới nhất trong lĩnh vực an ninh mạng.
Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc công ty SonicWall Việt Nam và Cambodia, trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, thế giới chứng kiến nhiều xu thế tấn công mạng kiểu mới, tiêu biểu là tấn công tiền mã hóa (crypto), hay thiết bị thông minh vạn vật (IoT).
Điều này phản ánh xu thế chung của công nghệ, khi các giải pháp nhà thông minh, trường học thông minh, và các thiết bị trong gia đình có kết nối Internet ngày càng được ưa chuộng. "Bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hacker", ông Quang chia sẻ.
Được đánh giá là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức nhất định về vấn đề an ninh mạng.
Theo thống kê của Netpoleon, trong 6 tháng đầu năm, số lượng vụ tấn công mạng vào Việt Nam là 5.100 vụ. Đáng chú ý, các vụ tấn công có chủ đích vào các cơ sở trọng yếu đang tăng so với năm ngoái.
Các chuyên gia về bảo mật, an ninh mạng, chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Trước thực trạng này, các chuyên gia từ các hãng bảo mật lớn đã chia sẻ nhiều chủ đề, cũng như giải pháp để chống lại các cuộc tấn công từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng các khung hình giả lập, ứng dụng đám mây, hay các giải pháp trong lĩnh vực tài chính trực tuyến.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, thì việc nâng cao về nhận thức, cũng như trang bị những kỹ năng về an ninh mạng cho các tổ chức doanh nghiệp cũng rất quan trọng, để phòng ngừa từ sớm, từ xa các sự cố về an ninh mạng.
"Hệ thống dù có an toàn như nào đi nữa, thì cũng không một ai dám đảm bảo rằng 100% không bao giờ bị tấn công", đại diện đến từ SonicWall nhận định.
"Đó là bởi hệ thống luôn tồn tại những lỗ hổng về Zeroday mà chuyên gia bảo mật chưa từng thấy, hoặc hacker viết ra những malware mới, có khả năng xâm nhập và phá hoại hệ thống, cũng như các cách thức tấn công mới".
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho hệ thống của mình, doanh nghiệp cần không ngừng thích ứng linh hoạt, và liên tục cập nhật những xu thế bảo mật mới để không trở thành "lỗi thời".
Theo dantri.com.vn