Xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến công nghệ của Việt Nam và khu vực

Chủ nhật, 03.12.2023 | 09:06:37
821 lượt xem

Trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á (Smart City Summit 2023) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đề xuất thúc đẩy xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến công nghệ của Việt Nam và khu vực.

Hà Nội cần đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực

Theo ông Trương Gia Bình, Hà Nội đang có cơ hội là điểm sáng nhất trong hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI) và chip bán dẫn. Để thực hiện được sứ mạng này, thành phố thông minh là nhân tố mang tính quyết định. Hà Nội còn có vai trò dẫn dắt các thành phố khác trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đi vào công nghệ cao, công nghệ lõi.

“Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần xin được một cơ chế rất đặc thù, vượt trội để thu hút nhân lực tài năng trong nước và thế giới. Hà Nội cần phải đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực để không chỉ làm thành phố thông minh cho chính mình mà còn sáng tạo ra phần cứng, phần mềm, nguồn nhân lực để làm tất cả các thành phố trong khu vực và trên thế giới thông minh hơn. Hy vọng, Hà Nội sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả các công ty công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng như trên thế giới phát triển”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến công nghệ của Việt Nam và khu vực
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA - Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình tham quan gian hàng tại hội nghị. 

Theo ông Trương Gia Bình và các chuyên gia đến từ Viettel, VNPT và nhiều doanh nghiệp khác, cần làm sao cho dữ liệu đúng, đủ, sạch và sống để phục vụ công nhân viên chức của thành phố, dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh, chính xác, tiết kiệm và minh bạch nhất. Từ đó, chuyển đổi số giúp cuộc sống của người dân Hà Nội tốt đẹp hơn để Hà Nội ngời sáng như biểu tượng thủ đô của một Việt Nam mới. 

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội nhận thức và quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân. Mô hình thành phố thông minh bền vững hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.

Cho biết Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh, song Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng nêu ra một số bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân…

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh mong muốn nhận được câu trả lời từ các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo. Công nghệ số, chuyển đổi số và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển? Mô hình thành phố thông minh nào trên thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo?

Chuyên gia hiến kế xây dựng đô thị thông minh

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội thông tin, Hà Nội ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đề ra 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ triển khai xây dựng thành phố thông minh. Trong đó các chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân nhóm theo các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; kinh tế số; xã hội số. Cùng với đó, thành phố tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của người dân.

Xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến công nghệ của Việt Nam và khu vực
FPT trình diễn hệ sinh thái “Nâng tầm cuộc sống với Đô thị thông minh”. 

Tại các phiên tọa đàm, chuyên gia từ các công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT đã chia sẻ nhiều vấn đề lớn về xây dựng đô thị thông minh. Ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống Thông tin FPT đưa ra những sáng kiến về chủ đề “Quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên trên nền tảng dữ liệu”. 

Theo ông Phan Thanh Sơn, trong bối cảnh chuyển đổi số đô thị và vùng song hành với quá trình xây dựng nền kinh tế số, FPT cam kết đồng hành với Chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức trên hành trình chuyển đổi kép này ở Việt Nam. Để thực hiện thành công quá trình này cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, đến xây dựng và sau đó là vận hành, đầu tư mạnh mẽ vào 5 thành phần và năng lực cốt lõi mang tính chiến lược là: AI, dữ liệu, định danh, giao tiếp và điểm chạm.

Ông Nguyễn Khương Duy, Phó giám đốc Trung tâm phát triển dịch vụ hạ tầng, FPT Smart Cloud chia sẻ về xu hướng phát triển thành phố thông minh gắn liền với điện toán đám mây cũng như những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại. Ông Phan Hồ Hà Phương, Trưởng phòng Giải pháp AI, FPT Smart Cloud có bài tham luận với chủ đề: Ứng dụng AI và trợ lý ảo trong đào tạo & tuyển dụng nhân sự thời đại số. Doanh nghiệp thông minh sẽ là nền tảng cho đô thị thông minh. Việc ứng dụng các giải pháp AI sẽ giúp tối ưu hoạt động quản trị, vận hành của doanh nghiệp, mang lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Xu thế ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững.

Chia sẻ về “Xu hướng nhà thông minh trong tương lai”, ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm, Công ty cổ phần viễn thông FPT, cho biết: Công nghệ được tích hợp vào các món đồ gia dụng thông minh, đem đến sự tiện nghi, thoải mái, hiện đại cho người sử dụng. Chỉ cần sở hữu một chiếc smartphone hay máy tính bảng là có thể kiểm soát được hàng loạt thiết bị. Nhà thông minh được dự báo trở thành một xu hướng trong tương lai.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Bộ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trong việc phát triển đô thị thông minh gắn với chương trình Chuyển đổi số quốc gia.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/xay-dung-ha-noi-tro-thanh-diem-den-cong-nghe-cua-viet-nam-va-khu-vuc-753751

  • Từ khóa