Hiện trên cả nước vẫn còn 15 triệu thuê bao sử dụng mạng di động 2G. Tuy nhiên đến tháng 9/2024, toàn bộ số thuê bao trên sẽ không thể tiếp tục sử dụng chức năng nghe - gọi trên mạng này.
Toàn bộ người dân cả nước sẽ chuyển lên dùng mạng 4G từ tháng 9/2024 (Ảnh: Thọ Trần).
Thị trường viễn thông trong nước đang rất nóng trước thông tin chuẩn bị tắt sóng 2G vào tháng 9/2024, nhằm mục tiêu giúp phổ cập smartphone tới 100% người dân Việt Nam.
Dẫu vậy, còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang sử dụng liên lạc chính bằng thuê bao 2G, và thậm chí còn chưa biết đến mạng 3G, 4G. Câu hỏi được đặt ra là liệu việc tắt sóng 2G có làm gián đoạn liên lạc của người dân, đặc biệt là những đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khó tiếp cận thông tin.
Tại họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, tính đến tháng 9, vẫn còn 15 triệu thuê bao sử dụng 2G only (tức chỉ dùng 2G) trên cả nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, đại diện Cục Viễn thông cho biết mặc dù đây là con số không nhỏ, nhưng Bộ TT&TT vẫn đặt mục tiêu tắt toàn bộ sóng 2G vào tháng 9/2024.
Để làm được điều này, Bộ TT&TT đã tạo điều kiện cho nhà mạng triển khai các giải pháp quy hoạch lại băng tần 2G, cũng như chấm dứt giấy phép cung cấp dịch vụ 2G vào đúng thời điểm tháng 9/2024.
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Bộ TT&TT) cũng sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định sẽ không để người dân bị gián đoạn liên lạc trong quá trình chuyển đổi từ mạng 2G lên 4G (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp cùng chính phủ để xây dựng các chính sách hướng dẫn sử dụng thuê bao mới cho người dân, với mục tiêu để người dùng có thể chuyển sang các thuê bao này một cách dễ dàng nhất có thể.
"Tiêu chí hàng đầu là liên lạc của người dân không bị gián đoạn, giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng thuê bao mới", ông Nhã cho biết.
Đối với doanh nghiệp viễn thông, ông Nhã cho biết các đơn vị này cần tiếp tục kiểm tra vùng phủ sóng để đảm bảo cho người dùng không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi từ 2G lên 4G.
Doanh nghiệp viễn thông cũng cần căn chỉnh, đánh giá lưu lượng người dùng trên từng địa bàn để xây dựng chính sách cụ thể, hướng đến việc ngắt toàn bộ sóng 2G vào đúng thời gian dự kiến mà không làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân.
Trước đó, tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân trên môi trường số" do CLB nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam tổ chức sáng 5/12, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết, Viettel đã có lộ trình rõ ràng, hướng đến việc ngắt sóng 2G vào năm 2024.
Hiện, Viettel đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của khách hàng.
Các chính sách kích thích, thúc đẩy người dùng chuyển dịch lên dùng data, dùng máy smartphone, 4G cũng đã được Viettel triển khai liên tục trong 2- 3 năm nay.
Điện thoại 2G only sẽ hóa "cục gạch" sau khi chính thức tắt sóng 2G (Ảnh: Internet).
Còn theo ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó Ban công nghệ VNPT, đơn vị này đã tắt sóng khoảng 10% trạm 2G only trong 2 năm qua.
Được biết, khi chuyển từ 2G lên 4G, người dùng cần có thời gian được thuyết phục, chuyển đổi, tạo thói quen sử dụng mới. Do đó, VNPT sẽ có kịch bản cụ thể cho các lớp khách hàng như khách VIP, người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo...
Quan điểm của nhà mạng này là phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng, giúp họ chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ 4G để lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số.
Cùng với đó, các nhà mạng lớn khác ở Việt Nam gồm có MobiFone, Vietnamobile, cũng cam kết đồng hành cùng khách hàng thông qua việc giúp họ chuyển đổi thiết bị lên smartphone, bắt nhịp vào công cuộc chuyển đổi số.
Theo dantri.com.vn