Người dân cần nâng cao nhận thức, từ đó phát hiện được các hình thức lừa đảo, cũng như cách phòng tránh để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi lạ tiếp cận (Ảnh: T.T).
Từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp đã ghi nhận các vụ lừa đảo qua gọi điện thoại, tin nhắn, facebook, zalo… ở nhiều địa phương trên cả nước.
Mặc dù cách thức lừa đảo không mới, song vẫn khiến không ít người nhẹ dạ, cả tin sập bẫy mất tiền, hoặc thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân...
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nhận định dịp cuối năm, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi trên không gian mạng Internet sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đặc biệt là các cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng trong dịp này, do người dân sẵn tâm lý chuẩn bị nghỉ Tết, về với gia đình, nên có nhiều nhu cầu hơn các thời điểm khác trong năm.
Bộ TT&TT hiện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi. Tuy nhiên, cách phòng chống tốt nhất vẫn là mỗi người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ.
"Ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất", ông Nhã cho biết. "Cần tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận".
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cảnh báo cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng trong dịp cuối năm (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Theo tìm hiểu của phóng viên, các phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay gồm có:
- Kết bạn, nhắn tin, giới thiệu là người nước ngoài, có điều kiện về kinh tế muốn gửi tiền nhờ giữ hộ, hoặc làm từ thiện.
- Giả danh cơ quan chức năng thông báo đến người bị hại liên quan đến vụ án hình sự.
- Quảng cáo cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, tải app nạp tiền vào làm cộng tác viên.
- Gọi, nhắn tin yêu cầu tích hợp thông tin nhà đất, giấy phép lái xe… vào ứng dụng VneID
- Xưng là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi mời người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học đầu tư chứng khoán, giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, nhận được nhiều ưu đãi... để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân.
Tất cả những thủ đoạn trên đều nhằm một mục đích, là tạo niềm tin với nạn nhân, sau đó là chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản, giấy tờ pháp lý, tài khoản ngân hàng nhận tiền hoặc các tài khoản mạng xã hội…
Khi nạn nhân phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng sẽ xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm và chặn liên lạc.
Hình thức lừa đảo không mới, nhưng vẫn khiến không ít người nhẹ dạ, cả tin sập bẫy mất tiền, hoặc thông tin cá nhân (Ảnh: Facebook).
Bà Đỗ Hải Anh, Cục An toàn thông tin, nhấn mạnh việc tuyên truyền về lừa đảo trực tuyến là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 11 tháng qua, đã có hơn 15.900 phản ánh trường hợp lừa đảo được người dùng Internet Việt Nam gửi đến Cục qua các hệ thống cảnh báo. Trong đó, hơn 91% số cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Được biết, Cục An toàn thông tin đã và đang triển khai nhiều giải pháp, bao gồm các biện pháp kỹ thuật và đặc biệt là những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân.
Qua đó giúp người dân nhận diện được các hình thức lừa đảo, cũng như cách phòng tránh để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Đại diện của Bộ TT&TT khuyến cáo người dân khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc này, việc kia thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo.
Nếu thấy nghi ngờ thì cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được xác minh, hoặc gửi thông tin tới tổng đài 156, để Bộ TT&TT cùng các nhà mạng xác minh, chặn lọc các số điện thoại lừa đảo này.
Theo dantri.com.vn