Đầu tháng 12, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo tại địa bàn TPHCM.
Theo thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), vào sáng 6/12, sau khi nhận được thông tin thiết bị BTS giả đang phát tán tin nhắn lừa đảo từ phía nhà mạng, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã tổ chức đoàn công tác, tiến hành truy vết nguồn tín hiệu phát tán tin nhắn lừa đảo.
Thiết bị BTS giả bị thu giữ trong vụ việc ngày 06/12 (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).
Quá trình theo dõi cho thấy đối tượng đã sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn, tuyến đường đông đúc nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đến 11h20 cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng đang sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo. Đối tượng này đã bị bắt giữ, đưa về trụ sở công an để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, trong năm 2023 Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ động tham gia, phối hợp có bài bản với cơ quan công an, các nhà mạng để kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 19 vụ sử dụng BTS giả (với 20 thiết bị), tăng gần 4 lần so với năm 2022.
Theo ghi nhận từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 đã tiếp nhận hơn 570.000 lượt phản ánh từ người dân. Trong đó, có hơn 104.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh việc tập trung triển khai các quy định của pháp luật, Bộ TT&TT cũng chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp khác nhau.
Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác (Ảnh: Bộ TT&TT).
Cụ thể, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác. Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 291 triệu tin nhắn rác đã bị chặn.
Ngoài ra, Bộ cũng theo dõi, giám sát tình trạng cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. 100% các phản ánh đều được chuyển tới các nhà mạng để xử lý.
Theo dantri.com.vn