Công nghiệp bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi trong phát triển kinh tế bởi là công nghiệp nền tảng để thúc đẩy các ngành khác như điện-điện tử, tự động hóa, viễn thông và công nghệ thông tin.
Nâng cao khả năng tự chủ của nền công nghiệp quốc gia
Trên thực tế, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã đạt giá trị 600 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng hằng năm trung bình đạt 2 con số. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao khả năng tự chủ của nền công nghiệp quốc gia. Gần đây, nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến và mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Mới đây, Viettel công bố thiết kế thành công và làm chủ công nghệ dòng chip 5G DFE được xem là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. |
Thông tin từ Viettel cho biết, dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.
Hiện nay, Tập đoàn Intel cũng đã có nhà máy quy mô 1,5 tỷ USD ở TP Hồ Chí Minh. Marvell cũng đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Samsung dự kiến cuối năm nay cũng sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Thái Nguyên. Một số tập đoàn Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng lần lượt có các hoạt động đầu tư, kinh doanh về bán dẫn tại Việt Nam.
Tháng 9-2023, Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 của Công ty TNHH Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung thuộc huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), nâng tổng quy mô hai nhà máy lên tới 66.000 m2. Được biết, đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. |
Tháng 10-2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong 2 (tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ khánh thành nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor (Mỹ). Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động vào năm 2035) và là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tháng 12-2023, Tập đoàn NVIDIA-tập đoàn công nghệ đa quốc gia, có doanh thu đạt gần 27 tỷ USD cũng tới Việt Nam nhằm hiện thực hóa các cơ hội đầu tư về chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. "AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai", ông Jensen Huang cho biết.
Về cơ hội việc làm, hợp tác đào tạo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này. Tuy nhiên cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu.
Theo thống kê từ các hiệp hội, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam, đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chíp bán dẫn.
Để tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, giữa tháng 10-2023, 5 đơn vị gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Thời điểm để Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, Tọa đàm Khoa học vì cuộc sống đã diễn ra với Phiên mở màn: Tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại”.
Tại tạo đàm, Giáo sư Richard Henry Friend từ Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), cho biết, lĩnh vực bán dẫn rất rộng và đa dạng. Với nguyên tắc chip có kích thước càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm năng lượng, gần đây, đã có một bước tiến công nghệ đáng kể nhờ vào việc thay đổi nguồn sáng (light source), giúp các nhà khoa học thiết kế được các con chip có kích thước rất nhỏ. Điều này đã tạo ra một sự bất ngờ lớn cho thế giới sản xuất linh kiện bán dẫn.
Các giáo sư, nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới cùng nhau thảo luận về công nghệ bán dẫn. |
Tiến sĩ Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) cho rằng, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thiết lập các chương trình hoặc các phương án tài trợ để thúc đẩy giáo dục cho thế hệ trẻ, có lý tưởng và tư tưởng lạc quan, khiến họ trở thành một nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia.
Giáo sư Albert Pisano, Đại học Carlifornia, San Diego, Hoa Kỳ cho rằng, vật liệu nano trong bán dẫn sử dụng trong các thiết bị viễn thông không dây đang là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, công nghệ sản xuất bán dẫn bị phân tán dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên thế giới có quy trình sản xuất, vận hành quy trình chứng nhận riêng.
Giáo sư Albert Pisano gợi ý, Việt Nam có thể nghiên cứu hướng đầu tư cho lĩnh vực đóng gói các con chip bán dẫn (packaging) bởi đây là khâu tổng hợp các công nghệ trong 20 năm qua của ngành bán dẫn. Nhờ đó, Việt Nam có thể tích lũy được kiến thức về công nghệ bán dẫn của thế giới.
Còn Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa hóa học và hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ) cho biết, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn cũng là yếu tố cốt lõi trong phát triển ngành này. Do đó, các trường đại học tại Việt Nam cần có hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng về bán dẫn để thúc đẩy sự phát triển và thu hút đầu tư từ các công ty lớn.
Theo các chuyên gia để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. Trong ba công đoạn này, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50-60% giá thành sản phẩm, công đoạn chế tạo chiếm khoảng 25-30%, công đoạn kiểm tra, đóng gói chiếm khoảng 15-20%. Do đó, Bộ KH&CN xác định việc làm chủ được thiết kế chíp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chíp. Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chíp bán dẫn.
Theo qdnd.vn