Cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm bánh khảo: Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống

Thứ 7, 30.03.2024 | 09:01:09
569 lượt xem

Bánh khảo là một trong những món bánh truyền thống, đặc sản của huyện Tràng Định được nhiều người biết đến. Để nâng tầm sản phẩm này, chị Ma Thị Mây, thôn Na Cà, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định đã chủ động nghiên cứu thiết kế bao bì, mẫu mã, đầu tư trang thiết bị, sản xuất.

Chị Ma Thị Mây giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành

Nguyên liệu để làm bánh khảo gồm: gạo nếp hương và đường mật mía. Thông thường các cơ sở sản xuất bánh khảo trên địa bàn huyện Tràng Định chỉ tập chung sản xuất khoảng 4 tháng cuối năm lúc nông nhàn. Giá bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/phong 200 gram (tùy loại nhân bánh). Do đó, việc sản xuất loại bánh này chưa mang lại hiệu quả kinh tế, chưa tạo được việc  làm cũng như thu nhập ổn định cho người sản xuất. Với mong muốn thương mại hóa sản phẩm truyền thống bản địa, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, từ năm 2023, chị Ma Thị Mây, thôn Na Cà, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định quyết định triển khai dự án: “Nâng tầm giá trị và quảng bá đặc sản bánh khảo Tràng Định Lạng Sơn” với thương hiệu Hồng Mây.

Chị Ma Thị Mây cho biết: Lạng Sơn có tiềm năng rất lớn về du lịch, nhất là du lịch tâm linh với rất nhiều đền, chùa… Vì vậy, sản phẩm của tôi hướng tới làm quà tặng và phục vụ dâng hương. Để làm quà tặng, hay dâng hương thì hình thức, mẫu mã sản phẩm phải được thiết kế lịch sự, bắt mắt, chất lượng cũng phải ổn định và đặc biệt là sản phẩm phải được sản xuất quanh năm.

Nhận thấy quy cách đóng gói bánh khảo truyền thống khiến khách hàng chưa ưa chuộng vì phong bánh rất to, không thể ăn hết trong một lần gây lãng phí, chị Mây đã chủ động thiết kế khuôn bánh nhỏ hơn. Mỗi phong bánh chỉ nặng 80 gram, mỗi hộp gồm 6 phong.

Bên cạnh sự thay đổi về khuôn bánh, chị còn đầu tư xây dựng hình ảnh cho sản phẩm. Theo đó, mỗi phong bánh được đựng trong một hộp giấy nhỏ. Trên hộp giấy có in các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn gắn với câu chuyện kể về danh thắng đó. Các hộp nhỏ được đóng trong một hộp lớn với hình ảnh cánh đồng lúa Thất Khê, huyện Tràng Định. Bên cạnh đó, hộp bánh được đựng trong túi giấy bắt mắt, thân thiện với môi trường. Khi ăn bánh, hay nhận món quà này người thưởng thức không chỉ biết đến hương vị mà còn biết về câu chuyện lịch sử gắn liền trên đó.

Bên cạnh thiết kế hình ảnh, bao bì sản phẩm, tác giả cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tổ chức sản xuất quanh năm. Theo đó, chị đã xây dựng nhà xưởng với diện tích 300 m2, đầu tư máy móc, trang thiết bị như: Máy xay xát, máy nghiền bột, máy nghiền đường, máy nhào bột đa năng, máy hàn miệng túi, khuôn đóng, dao cắt... Cùng đó, chị đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân sản xuất lúa nếp và mật mía trên địa bàn huyện Tràng Định. Hương vị bánh cũng được điều chỉnh giảm vị ngọt, các loại nhân bánh được sản xuất với nhiều hương vị như: Đậu xanh, trà xanh, lạc, vừng, khoai môn. Để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến chị đã phối hợp với 15 đại lý, cửa hành kinh doanh sản phẩm OCOP, điểm dừng chân, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Chị cũng giới thiệu sản phẩm đến hơn 80 cộng tác viên bán hàng trực tuyến trong vào ngoài tỉnh để quảng bá và cung cấp sản phẩm đến với người tiêu dùng. Cùng đó, chị đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm bánh khảo Tràng Định do gia đình chị sản xuất trên kênh bán hàng trực tuyến chị đã xây dựng trên nền tảng mạng xã hội gồm: Facebook, zalo, tiktok, shopee…

Hiện nay, cơ sở Hồng Mây mỗi ngày sản xuất khoảng 700 hộp bánh nhỏ (80gram/hộp). Với giá bán từ 6.500 đồng đến 8.000 đồng/hộp, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí, lợi nhuận gia đình thu được từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Cơ sở sản xuất bánh khảo của gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nếu như trước đây mỗi túi 10 phong bánh khảo trọng lượng 2.000 gram bán ra thị trường chỉ 100.000 đồng thì sau khi đầu tư bao bì, mẫu mã và cải tiến hương vị, chất lượng mỗi hộp bánh trọng lượng 480 gram có giá lên đến 126.000 đồng. Nhờ đó, lợi nhuận thu được cũng tăng lên đáng kể.

Chị Nguyễn Bích Phượng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi là người Lạng Sơn, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mỗi lần về quê tôi thường lựa chọn những đặc sản của Lạng Sơn để biếu tặng bạn bè. Vừa qua, tôi biết đến sản phẩm bánh khảo thương hiệu Hồng Mây, hộp bánh được thiết kế rất đẹp, sang trọng với các danh thắng nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Bánh không ngọt sắc như các loại truyền thống lại được chia thành những hộp nhỏ nên rất vừa ăn. Khi mang biếu bạn bè họ đều rất thích.

Tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Lạng Sơn năm 2023, dự án “Nâng tầm giá trị và quảng bá đặc sản bánh khảo Tràng Định Lạng Sơn” được Ban tổ chức trao giải chuyên đề về tính xã hội, cộng đồng. Theo chị Mây, thời gian tới chị sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất bánh khảo dược liệu nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/cai-tien-mau-ma-bao-bi-san-pham-banh-khao-gop-phan-nang-cao-gia-tri-san-pham-truyen-thong-5003981.html

  • Từ khóa