Theo Nikkei Asia, Huawei có thể sắp thành công trong việc tạo ra một hệ điều hành di động thứ ba, cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ iOS và Android.
Vào tháng 1, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS Next. Bản nâng cấp này đánh dấu một bước thay đổi đáng kể khi không còn tương thích với ứng dụng Android như các phiên bản trước đó.
Bản cập nhật HarmonyOS Next là bước tiến quan trọng đối với Huawei (Ảnh: GSMArena).
Động thái trên cho thấy tham vọng của Huawei trong việc tạo ra một hệ sinh thái với kho ứng dụng di động của riêng mình. Đây là yếu tố cốt lõi tạo nên chỗ đứng vững chắc cho hai nền tảng iOS và Android trong nhiều năm qua.
HarmonyOS được Huawei bắt đầu nghiên cứu từ năm 2015. Tuy nhiên, công ty chỉ bắt đầu đẩy mạnh phát triển nền tảng này vào năm 2019, sau khi phải nhận hàng loạt lệnh cấm vận từ chính phủ Mỹ.
Ban đầu, HarmonyOS được định hướng trở thành một nền tảng hệ điều hành dành cho các thiết bị Internet of Things như xe tự lái hoặc ứng dụng trong tự động hóa công nghệ. Giống với Android, HarmonyOS cũng được xây dựng trên hệ điều hành mã nguồn mở Linux.
Cuối tháng 2, ông Yu Chengdong, Giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty sẽ phát hành một bản cập nhật HarmonyOS lớn vào mùa thu. Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất là phiên bản này sẽ cắt đứt liên kết với Android.
Quá trình chuyển đổi sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Cụ thể, phiên bản thử nghiệm sẽ được giới thiệu đến các nhà phát triển từ quý II, trong khi bản cập nhật chính thức sẽ đến tay người dùng vào quý IV. Bên cạnh đó, chiếc smartphone dòng Mate thế hệ mới cũng sẽ được cài đặt sẵn HarmonyOS Next.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết trong 6 tuần đầu của năm 2024, doanh số bán ra của smartphone Huawei tại Trung Quốc đã tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cũng vươn lên vị trí thứ hai khi chiếm tới 16,5% thị phần tại quốc gia này.
HarmonyOS hiện chiếm gần 4% thị trường smartphone trên toàn thế giới (Ảnh: Nikkei Asia).
Các chuyên gia cho biết động lực chính thúc đẩy doanh số bán hàng smartphone Huawei đến từ sự thành công của dòng Mate 60. Theo Nikkei Asia, điều này tạo nên cơ sở vững chắc giúp Huawei có thể đại tu hệ điều hành do công ty tự phát triển.
Trước Huawei, nhiều công ty công nghệ lớn khác đã cố gắng xây dựng hệ điều hành để cạnh tranh với Android và iOS như Windows Phone do Microsoft hợp tác với Nokia, TizenOS do Samsung phát triển với Intel và YunOS của Alibaba. Tuy nhiên, tất cả đều không đạt được thành công như mong đợi.
Đến quý IV/2023, 16% smartphone bán ra ở Trung Quốc sử dụng hệ điều hành HarmonyOS. Theo các chuyên gia tại Counterpoint Research, HarmonyOS hiện chiếm gần 4% thị trường smartphone trên toàn thế giới, so với 23% của iOS và 74% của Android.
Theo dantri.com.vn