Ra mắt từ cuối năm 2023, ViGPT do VinBigdata phát triển đã trở thành một trong 4 mô hình có năng lực tiếng Việt tốt nhất. VinBigdata tiếp tục triển khai tích hợp AI tạo sinh (GenAI), đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Vào top 4 bảng xếp hạng "Năng lực tiếng Việt"
Sau khi ra mắt chỉ vài tháng, mô hình ViGPT 1,6 tỷ tham số (ViGPT-1,6B) do VinBigdata (thuộc Vingroup) phát triển đã nhanh chóng chứng minh chất lượng khi trở thành mô hình ngôn ngữ đứng trong top 4 bảng xếp hạng "Năng lực tiếng Việt VMLU". Mô hình GenAI "made in Vietnam" này chỉ đứng sau ChatGPT, GPT-4 và gemini. Kết quả cho thấy khả năng nổi bật của ViGPT trong việc nắm bắt tri thức và tư duy ngôn ngữ tiếng Việt.
VMLU là bộ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Việt đa khía cạnh, đa cấp độ và đáp ứng đa dạng nhu cầu nhất trên thị trường hiện nay với 10.880 câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh 58 chủ đề khác nhau, được phân bổ trên nhiều lĩnh vực. Với khối dữ liệu lớn, VMLU có thể đánh giá hiệu quả năng lực ngôn ngữ tiếng Việt của các mô hình AI về kiến thức sơ đẳng cũng như khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
"Việc ViGPT lọt top bảng xếp hạng VMLU chỉ sau 9 tháng nghiên cứu là thành quả vô cùng ấn tượng, khẳng định năng lực của đội ngũ VinBigdata cũng như hiệu quả trong hướng triển khai sản phẩm", TS. Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata chia sẻ.
ViGPT lọt Top 4 trên bảng xếp hạng "Năng lực tiếng Việt VMLU".
Hiện tại, VinBigdata đã hoàn thiện ViGPT phiên bản cộng đồng và sẵn sàng cung cấp cho các tổ chức phi lợi nhuận. Phiên bản cộng đồng tập trung vào các tính năng tra cứu thông tin, sáng tạo nội dung về những chủ đề đặc trưng của Việt Nam.
Theo kế hoạch, VinBigdata tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các mô hình GenAI với số lượng tham số nhiều hơn (3 tỷ và 11 tỷ) để phục vụ các bài toán phức tạp cho doanh nghiệp.
Tháo gỡ nút thắt trong chiến lược ứng dụng AI cho doanh nghiệp
"Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc tích hợp AI trong các nhiệm vụ chính sẽ tốn kém và còn 'máy móc', thì những công cụ GenAI với mô hình tối ưu như ViGPT có thể trở thành chìa khóa tháo gỡ nút thắt trong chiến lược ứng dụng AI", TS. Nguyễn Kim Anh khẳng định.
Theo báo cáo của McKinsey (năm 2023), bốn chức năng chính trong doanh nghiệp: bán hàng và tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc khách hàng và vận hành là những chức năng sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc ứng dụng GenAI. Cụ thể, công nghệ giúp doanh nghiệp tự động hóa các tác vụ đòi hỏi phán đoán, suy luận và hỗ trợ ra quyết định lên tới 70%, tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh lên 10%.
Đặc điểm nổi bật của mô hình GenAI là khả năng tổng hợp và tư vấn thông tin dựa trên nhu cầu của người dùng. Ví dụ, khi được cung cấp một tài liệu về chính sách bán hàng hoặc chăm sóc khách hàng lên tới hàng nghìn trang, ViGPT sẽ đóng vai trò như một tư vấn viên chuyên nghiệp, tiếp nhận và trả lời các câu hỏi của khách hàng một cách linh hoạt, tự nhiên, đồng thời cung cấp những thông tin phù hợp với nhu cầu thực tế, thay vì những câu trả lời khuôn mẫu, cứng nhắc.
Theo TS. Nguyễn Kim Anh - Giám đốc Sản phẩm VinBigdata, việc làm chủ một mô hình GenAI sẽ đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu, tháo gỡ nút thắt cho chiến lược ứng dụng AI của doanh nghiệp.
"Bên cạnh đó, việc làm chủ hoàn toàn một mô hình GenAI mà không cần phụ thuộc vào đơn vị cung cấp từ nước ngoài cũng đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu, yếu tố gây trở ngại cho chiến lược áp dụng AI của nhiều đơn vị xưa nay", TS Kim Anh nhấn mạnh thêm.
VinBigdata đang hợp tác với hàng loạt đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực như khu vực công, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không… nhằm tích hợp ViGPT trong hoạt động kinh doanh và vận hành.
Theo dantri.com.vn