Trung Quốc đang phát triển một loại chip để cấy vào não người, cho phép con người điều khiển những thứ xung quanh chỉ bằng ý nghĩ. Những thử nghiệm của loại chip này trên não khỉ cho kết quả khả quan.
Tân Hoa Xã cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm một loại chip có thể gắn vào não người, mang tên gọi Neucyber. Đây là sản phẩm được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa và công ty Công nghệ Thần kinh Bắc Kinh.
Neucyber đã được cấy ghép thử nghiệm vào não của một con khỉ bị hạn chế vận động về mặt vật lý và kết quả thử nghiệm rất khả quan, khi con khỉ này có thể sử dụng ý nghĩ của nó điều khiển một cánh tay robot để nhặt lên một quả dâu tây.
Hình ảnh mô phỏng hệ thống Neucyber do Trung Quốc phát triển và được thử nghiệm trên khỉ (Ảnh: Xinhua).
Theo Tân Hoa Xã, chip Neucyber gồm những điện cực vi mô và rất nhạy, tích hợp thiết bị thu tín hiệu thần kinh, kết hợp với thuật toán giải mã tín hiệu thần kinh từ não sinh ra để chuyển thành câu lệnh và phát tín hiệu điều khiển không dây đến các thiết bị bên ngoài.
"Chip Neucyber là một cây cầu kết nối giữa bộ não và máy tính, hoạt động bằng cách ghi lại những thay đổi nhỏ trong tín hiệu điện não, giải mã và số hóa các tín hiệu đó để ra lệnh cho máy móc hoạt động mà không cần phải tiếp xúc vật lý", Giáo sư La Minh Mẫn thuộc Viện nghiên cứu não bộ của Đại học Thanh Hoa, người đã tham gia phát triển chip Neucyber, chia sẻ.
Hiện chip Neucyber mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ chứ chưa được cấy ghép lên não người. Để có thể cấy ghép con chip này lên não người, các nhà khoa học sẽ phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng tại Trung Quốc.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã mở một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu phát triển các loại chip tương tác giữa não người và máy móc. Chính quyền Bắc Kinh khẳng định phát triển các loại chip cấy vào não người là một ưu tiên của quốc gia này.
Ý tưởng về việc cấy chip vào não để giúp con người thực hiện những điều phi thường đã xuất hiện từ khá lâu, nhất là trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Elon Musk là một trong những người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng này khi thành lập Neuralink vào năm 2016, công ty công nghệ sinh học với mục tiêu tạo ra một máy tính có thể cấy ghép vào bên trong bộ não của con người.
Người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép chip vào não đó là Nolan Arbaugh, 29 tuổi. Nolan đã được cấy ghép chip của Neuralink vào não của mình sau một ca phẫu thuật được tiến hành ngày 30/1 vừa qua.
Nolan Arbaugh gặp một tai nạn nghiêm trọng khi đi lặn biển cách đây 8 năm, khiến anh bị liệt toàn thân và chỉ có thể cử động phần cổ và đầu.
Sau khi được cấy ghép chip não của Neuralink, Arbaugh đã hồi phục nhanh chóng và làm được những điều mà tưởng chừng rằng anh sẽ không bao giờ có thể làm được, bao gồm việc chơi game trên máy tính, đăng bài lên mạng xã hội… tất cả chỉ bằng cách suy nghĩ.
Nolan Arbaugh, người đầu tiên được cấy chip não của Neuralink, đã có thể điều khiển máy tính và chơi game bằng suy nghĩ (Ảnh: Neuralink).
Sau thành công bước đầu với con chip cấy ghép vào não Nolan Arbaugh, Neuralink đang tiếp tục phát triển một thế hệ chip não mới có tên gọi "Blindsight". Hiện chip Blindsight được thử nghiệm trên khỉ, với mục tiêu cuối cùng là giúp phục hồi thị lực cho người mù và những người mắc bệnh về mắt.
Chip Blindsight được thiết kế để mô phỏng thế giới xung quanh theo thời gian thực để hiển thị trực tiếp trong trí não của người được cấy ghép. Elon Musk cho biết chip Blindsight sẽ giúp cải thiện tầm nhìn của những người khiếm thị và thậm chí sẽ giúp nâng cao tầm nhìn của những người bình thường trong tương lai.
Theo dantri.com.vn