Hỏng xe giữa đường là điều không ai mong muốn, đặc biệt là khi đi trên cao tốc; nếu tài xế không xử lý đúng cách, từ một sự cố nhỏ có thể dẫn tới những tai nạn thảm khốc.
Bật đèn khẩn cấp
Việc bật đèn khẩn cấp sẽ giúp các tài xế khác nhận biết một chiếc xe đang gặp sự cố, từ đó có thể chủ động tránh từ xa, hạn chế nguy cơ tai nạn dồn toa.
Bật đèn khẩn cấp là việc đầu tiên tài xế cần làm khi xe gặp sự cố giữa đường (Ảnh minh họa: iStockphoto).
Trên đường cao tốc, ngay cả khi đã di chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp, tài xế vẫn nên tiếp tục bật đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các tài xế khác biết, thay vì chỉ bật xi-nhan bên phải như khi dừng, đỗ xe thông thường trên phố.
Việc cả hai đèn xi-nhan cùng nháy sáng một mặt sẽ gây chú ý hơn, mặt khác còn có ý nghĩa cảnh báo nguy hiểm.
Di chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp
Khi ô tô gặp sự cố nhưng vẫn có thể di chuyển, hãy bật đèn xi-nhan và khẩn trương đưa xe vào làn dừng khẩn cấp.
Nếu ô tô không thể di chuyển tiếp, với các xe nhỏ, hãy tìm cách đẩy; nếu cần, có thể ra tín hiệu tìm kiếm sự hỗ trợ của các tài xế khác. Cần cố gắng để xe nằm trọn vẹn trong làn dừng khẩn cấp, không lấn ra làn xe chạy, dễ gây tai nạn.
Ra khỏi xe
Việc này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người ngồi trên xe. Khi ra khỏi xe, cần chú ý mở cửa phía bên không hướng ra làn xe chạy, chú ý quan sát, bước ra cẩn thận.
Việc tài xế thiếu kỹ năng hoặc chủ quan khi dừng đỗ xe trên đường cao tốc khi gặp sự cố có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Thu Hằng).
Trên thực tế đã có không ít trường hợp tai nạn xảy ra khi người ngồi trên ô tô mở cửa đột ngột, khiến xe từ phía sau chạy tới không tránh kịp.
Sau khi ra khỏi xe, cần lập tức di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.
Đặt các vật cảnh báo nguy hiểm phía sau xe
Các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, đèn nháy, áo phản quang..., nên được chuẩn bị sẵn trên ô tô, nhất là trước những hành trình cần di chuyển trên đường cao tốc hoặc vào buổi đêm.
CSGT hướng dẫn tài xế đặt cảnh báo trong trường hợp xe gặp sự cố (Ảnh: Cục CSGT).
Với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150-250m phía sau xe.
Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố.
Nếu không mang sẵn trên xe các vật dụng cảnh báo nguy hiểm như tam giác phản quan hay cọc tiêu hình nón, thì có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin... để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.
Gọi điện vào đường dây cứu hộ
Dọc đường cao tốc có biển báo cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tài xế liên hệ khi gặp sự cố trên đường cần cứu hộ.
Tuy nhiên, phòng trường hợp xe không may trục trặc ở vị trí không có biển này, hoặc vì một lý do gì đó không gọi được vào số này, các tài xế cũng nên chuẩn bị sẵn một vài số điện thoại dịch vụ cứu hộ ở cung đường mà mình có kế hoạch di chuyển.
Theo dantri.com.vn