Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ: Chú trọng áp dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm

Thứ 6, 09.08.2024 | 14:04:19
506 lượt xem

Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc na. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.

Thành viên HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ dán tem nhãn cho sản phẩm na

Từ lâu, na đã trở thành cây trồng chính, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chi Lăng nói chung và thị trấn Đồng Mỏ nói riêng. Tuy nhiên, trước đây, người dân chủ yếu trồng và chăm sóc na theo cách thức truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng quả na thấp. Cùng với đó, việc tiêu thụ na của bà con chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, giá trị kinh tế đem lại chưa cao.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Với mong muốn liên kết các hộ trồng na để sản xuất na tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2017, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ được thành lập với 63 thành viên, tập trung phát triển mô hình trồng và chăm sóc na với diện tích 48,62 ha. Được sự định hướng, hỗ trợ của phòng chuyên môn huyện, chính quyền thị trấn nên ngay sau khi thành lập, HTX đã chú trọng trồng, chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo đó, các thành viên HTX đã tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Cùng đó, HTX cũng chủ động tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất na VietGAP hiệu quả tại các xã lân cận như Y Tịch, Chi Lăng; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây na... Nhờ đó, các hộ đã áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP vào mô hình thực tế của gia đình. Hiện nay, sản phẩm na của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Ông Đỗ Khắc Thu, thành viên HTX cho biết: Gia đình tôi bắt đầu trồng na từ năm 1997, với hơn 700 gốc na. Tuy nhiên trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng quả không cao. Từ năm 2017, khi tham gia vào HTX, gia đình tôi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất na theo hướng VietGAP. Qua quá trình trồng và chăm sóc, tôi nhận thấy vườn na phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp hơn và năng suất cũng tăng từ 5 đến 10% so với khi chưa áp dụng theo quy trình VietGAP. Không chỉ vậy, sản phẩm na được chăm sóc theo quy trình VietGAP còn được bán ra với giá cao và đầu ra ổn định hơn. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được khoảng 6 tấn na, mang lại trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện đang bước vào vụ thu hoạch na, dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 7 tấn.

Không chỉ gia đình ông Thu, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành viên HTX đã tạo ra sản phẩm na an toàn, chất lượng. Năm 2020, sản phẩm na của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đó là tiền đề quan trọng để HTX đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm na của HTX đều được đóng hộp và dán đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc trước khi đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na cho các thành viên, HTX còn mở rộng liên kết thu mua na của các hộ dân trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP đã được chứng nhận trên địa bàn huyện. Nhờ na có chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm na của HTX không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn được mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Trung bình mỗi năm, HTX thu mua và tiêu thụ khoảng 100 tấn na VietGAP (trong đó có khoảng 50% thu mua từ các hộ ngoài HTX), với giá thu mua từ 30.000 – 40.000 đồng/kg (đối với na loại 2, từ 4 – 5 quả/kg) và 60.000 – 70.000 đồng/kg (đối với na loại 1, từ 2 – 3 quả/kg), cao hơn giá thương lái thu mua tại vườn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg; lợi nhuận mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Từ mô hình sản xuất na và lợi nhuận từ việc liên kết tiêu thụ, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt từ 80 đến 200 triệu đồng/thành viên/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động, với thu nhập 300.000 đồng/người/ngày.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng đánh giá: HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ là HTX tiêu biểu của huyện trong sản xuất và tiêu thụ quả na. Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị của quả na, HTX còn thực hiện liên kết thu mua na cho người dân trên địa bàn huyện, tạo đầu ra ổn định. Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia các chương trình, sự kiện quảng bá sản phẩm na tại Hà Nội, qua đó, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần quảng bá thương hiệu na Chi Lăng đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước.

Có thể thấy, từ việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương và chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ đã và đang phát triển mạnh mẽ, từng bước xây dựng được thương hiệu và tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, HTX đã nhiều lần nhận được các cấp, các ngành khen thưởng. Gần đây nhất, tháng 11/2023, HTX được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông, lâm nghiệp.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/hop-tac-xa-dich-vu-va-san-xuat-nong-nghiep-dong-mo-chu-trong-san-xuat-nang-cao-chat-luong-san-pham-5017571.html

  • Từ khóa